Vì một môi trường văn hoá giao thông đến độ quy chuẩn

Thứ tư, 09/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chủ đề của Tháng An toàn giao thông năm nay (9/2009) được cơ quan chức năng chọn là “Văn hóa giao thông”. Theo chúng tôi, đó là một cái tên không chỉ lạ tai mà còn hàm chứa những giá trị con người. Tuy nhiên, ngẫm kỹ ra thì đó là một phạm trù rất rộng, rất bao quát và để thành công, đương nhiên cần nhiều đến hành vi văn hoá của tất cả mọi thành phần tham gia giao thông...
Chủ đề của Tháng An toàn giao thông năm nay (9/2009) được cơ quan chức năng chọn là “Văn hóa giao thông”. Theo chúng tôi, đó là một cái tên không chỉ lạ tai mà còn hàm chứa những giá trị con người. Tuy nhiên, ngẫm kỹ ra thì đó là một phạm trù rất rộng, rất bao quát và để thành công, đương nhiên cần nhiều đến hành vi văn hoá của tất cả mọi thành phần tham gia giao thông...
Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1167/UBND-GT, để cụ thể hoá trong bước triển khai, ngày 18/8/2009 Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh có văn bản số 47/BATGT, với mục tiêu nhằm tạo bước chuyển biến mới cả trong nhận thức và hành động, đối với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, mỗi khi tham gia giao thông. Coi đấy là cơ sở nền tảng để từng bước hình thành nếp Văn hóa giao thông thường trực trong tư duy mỗi người cả trước, trong và sau khi tham gia giao thông.
Theo đó, đẩy mạnh hơn nữa chương trình phối hợp về công tác trật tự - an toàn giao thông, giữa Ban ATGT tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội liên quan. Các địa phương thống nhất tổ chức lễ phát động Tháng ATGT vào ngày 31/8/2009. Yêu cầu các hội viên, đoàn viên, công chức trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị... gương mẫu và tự giác chấp hành các quy định về ATGT. Một mặt tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các tiêu chí của Tháng Văn hóa giao thông, phát hiện và biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt trong quá trình tham gia giao thông hàng ngày. Lễ phát động hưởng ứng Tháng ATGT được triển khai tổ chức đến tận cấp xã, phường và thị trấn của toàn bộ 9 đơn vị hành chính trong tỉnh.
Thực tế ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng, với không ít người khái niệm “Văn hóa giao thông” có cái gì đó như “phi thực tiễn”, giống một khẩu hiệu thuần tuý chứ không mang tính tác động sát sườn. Giải thích cho hiện tượng này, theo chúng tôi, là vì lâu nay nhiều người chúng ta chấp hành các quy định ATGT mới chỉ thiên về khía cạnh luật pháp, chứ không xem trọng tính chất văn hoá, không coi đó cũng là một thuần phong mỹ tục phản ánh trình độ học vấn nói riêng và trình độ văn hoá nói chung của người tham gia giao thông.
Nếu muốn tìm bằng chứng, chỉ cần ra đường một lúc thôi thì ai trong chúng ta cũng dễ dàng gặp ngay những hành vi thiếu văn hóa của nhiều người tham gia giao thông. Càng những nơi mà mật độ các phương tiện tham gia giao thông đậm đặc, thì những biểu hiện thiếu văn hóa xảy ra càng nhiều, càng thường xuyên và có thể nói là muôn hình muôn vẻ. Dấu hiệu rõ nhất và cũng nhức nhối nhất là mạnh ai nấy đi, dàn hàng ngang mà đi, phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngay cả khi đèn đỏ, đi đường ngược chiều... Có những va chạm vô tình và rất nhỏ, nhưng rồi “chuyện bé xé ra to” có khi gây nên vụ ẩu đả chí mạng. Cung cách xử sự của từng người khi tham gia giao thông, thể hiện rõ tầm văn hóa của người đó. Chỉ cần một lời nhẹ nhàng: “Xin anh thông cảm, tôi thật có lỗi”, là mọi chuyện sẽ qua, thay vì trước tiên là “đấu mồm” với những câu tục tĩu, bậy bạ, sau đấy là đấu võ với nhau và mặt đường trở thành “sa trường” cho cuộc thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Như vậy là từ một lỗi va chạm giao thông, trở nên một vụ đánh nhau gây mất trật tự an toàn xã hội mà nếu nặng sẽ bị xử lý hình sự theo pháp luật.
Khác với những đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh..., ở Điện Biên cũng như các tỉnh miền núi rất hiếm khi xảy ra cảnh tắc đường hoặc đua môtô trái phép, trừ trường hợp thỉnh thoảng một vài cậu choai choai phóng như lên đồng một lúc. Ngay cả vậy thì hành vi vi phạm pháp luật và thiếu văn hoá nơi công cộng đó cũng là một nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, trước hết là cho bản thân đối tượng và sau đấy là cho những người khác. Nói gì thì nói, thật khó có thể thông cảm cho một người gặp tai nạn trong tình trạng nồng nặc hơi men, tai đeo máy nghe nhạc qua điện thoại di động, đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ, cạnh đấy là con xe dúm dó vừa được nhấn ga với vận tốc 70 - 80 km/giờ. Cùng với sự thương xót, đâu đó có người lạnh lùng bảo: “Thằng này ở phố tôi nên tôi biết, cứ lên xe là phóng như bị ma nhập. Mới năm ngoái phải khâu mười mấy mũi ở đầu nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Bố mẹ nó nhiều tiền và chiều con, hỏng xe này mua xe khác”.
Chẳng phải bây giờ mà đã từ lâu, vấn đề văn hóa giao thông được đề cập như một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng mất trật tự ATGT. “Bố mẹ nó nhiều tiền và chiều con, hỏng xe này mua xe khác”, đó không chỉ là nguyên nhân mà còn là kết quả của những hành vi thiếu văn hoá giao thông ngay từ các gia đình. Thông thường với những gia đình ấy nền giáo huấn rất thấp, từ vi phạm luật giao thông có thể dần dà vi phạm luật hình sự, từ vi phạm ở lĩnh vực này rất có thể vi phạm sang lĩnh vực kia. Chúng ta đều biết UBND thành phố Điện Biên Phủ từng vài lần có văn bản cấm các hộ thả chó ra đường, công văn này được đem về các tổ dân phố phổ biến trên loa truyền thanh và trong các cuộc họp dân. Nhưng ngay bây giờ và ngay ở phố tôi, các chú cẩu vẫn vô tư dạo phố như không có chuyện gì xảy ra, vẫn vô tư phóng uế và cả vô tư đuổi theo những người đi xe máy như đó là một “thú chơi ác ý” của chúng. Bảo rằng con chó là loài vô tri và tất nhiên “không có văn hoá”, nhưng chúng được nuôi nấng và quản lý bởi con người và trong những ông bà chủ ấy, không ít người bằng cấp đầy mình, từng đạt nhiều danh hiệu thi đua ở cơ quan nơi họ công tác!
Để cải thiện tình trạng này đòi hỏi không mất quá nhiều thời gian cũng như những nỗ lực cá nhân, vì thực ra nó không ảnh hưởng gì đến quyền lợi vật chất hay tinh thần của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đó là sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của từng cá thể trong cách anh ta hoà nhập vào môi trường văn hoá giao thông cộng đồng. Rõ ràng điều đó buộc các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt, thường xuyên, ở mọi nơi và có trách nhiệm hơn. Song song với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý vi phạm trước mọi đối tượng, phải giải tỏa triệt để các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và tái phạm có hệ thống. Tiếp tục triển khai thực hiện việc lập lại hành lang ATGT giai đoạn 2, rà lại công tác quản lý vận tải hành khách theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008; tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý công tâm, minh bạch các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách trên tất cả các tuyến đường.
Nhân bàn về Văn hoá giao thông, có một điều cũng xin được thẳng thắn đề cập, đó là văn hoá từ chính cung cách ứng xử của các lực lượng chức năng. Hơn một lần chúng tôi rất không hài lòng khi chứng kiến việc cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông xử lý không thật bình tĩnh và thấu tình đạt lý, trước những trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông, bán hàng rong hoặc lấn chiếm vỉa hè. Đã đành người ta vi phạm và đó là những lỗi quyết không thể bỏ qua, nhưng xin đừng quá mạnh tay với xe cộ, hàng hoá..., đừng thực hiện chức phận như mình là trên hết và mình là tất cả. Nói cách khác, xin hãy cố gắng lưu lại chút cảm tình, tâm phục khẩu phục và nếu được như vậy, tin rằng sẽ hạn chế được nhiều những trường hợp tái phạm. Một môi trường giao thông có văn hoá và là thứ văn hoá đến độ quy chuẩn, dĩ nhiên cần cách hành xử văn hoá mực thước của mọi thành tố cá thể, từ nhiều phía và ở mọi lúc, mọi nơi...
 
Theo Báo Điện Biên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)