Tích cực hưởng ứng Tháng an toàn giao thông năm nay với chủ đề “Tháng Văn hóa giao thông”, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mục đích tạo chuyển biến về nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông.
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trước khi tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Ninh Bình đồng chí Nguyễn Xuân Huế, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Ninh Bình, cho biết:
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban an toàn giao thông Quốc gia, tỉnh Ninh Bình đã sớm xây dựng kế hoạch để triển khai Tháng an toàn giao thông năm nay với chủ đề là tháng “Văn hóa giao thông”, với mục đích, yêu cầu đặt ra là: Tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của mọi tầng lớp nhân dân, từng bước tạo thói quen ứng xử có văn hóa trong mỗi người khi tham gia giao thông.
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, đi đôi với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, phát hiện và xử lý kịp thời các yếu tố gây mất ATGT, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông; tạo nếp sống có văn hóa giao thông và trật tự đô thị của người dân sống ở thành phố, thị xã cũng như địa bàn nông thôn.
Tiêu chí văn hóa giao thông được đặt ra là thực hiện “3 có” và “4 không”. “4 không” là không uống rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện có đủ giấy tờ quy định; không lấn chiến lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT; không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra TNGT. 3 có” là có hiểu biết đầy đủ, đúng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông, có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.
Để thưc hiện được "3 có" và “4 không” người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường, tuân thủ về tốc độ dừng đỗ xe đúng quy đinh, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không được uống rượu, bia khi điều khiển xe cơ giới. “Tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT, kể cả khi không có lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường...
Đối với các hộ dân sinh sống ven đường thì không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, không sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, xả rác, nước thải ra đường... Đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ đảm bảo TTATGT: Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Không sách nhiễu, tiêu cực trong khi thi hành công vụ, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn. Giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật khi họ tham gia giao thông.
Để thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông” cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 32/CP của Chính phủ. Chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Chủ động xóa bỏ thói hư tật xấu, tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông. Đẩy mạnh việc thực hiện giới thiệu gương người tốt, việc tốt, phê phán hành vi vi phạm trong tham gia giao thông. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, như tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, làm tốt công tác đảm bảo giao thông, công tác quản lý vận tải, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATGT.
Để thực hiện Tháng an toàn giao thông năm nay đạt hiệu quả, Ban an toàn giao thông tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Khẩu hiệu phục vụ cho việc tuyên truyền thực hiện Tháng ATGT năm nay là: Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Đi bộ sang đường đúng nơi quy định. Điều khiển xe mô tô đi bên phải theo chiều đi của mình. Đi đúng phần đường, làn đường quy định khi tham gia giao thông. Đã uống rượu, bia thì không lái xe. Phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy...
Lực lượng công an được giao nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm như: Vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, thắt dây an toàn theo quy định. Xử lý nghiêm xe vận chuyển vật liệu làm rơi xuống đường. Dùng còi hơi trong khu dân cư.
Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trên đường sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, không đảm bảo an toàn. Sở Giao thông - Vận tải chủ động có kế hoạch, kịp thời duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, điều chỉnh, bổ sung các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa. Nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen”.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, đơn vị quản lý đường và chính quyền các cấp có phương án phân luồng giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chở quá tải của các loại phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua có trách nhiệm phối hợp với ngành đường sắt rà soát hệ thống đường ngang và xử lý các vấn đề có liên quan đến ATGT như hệ thống biển báo, thiết bị cảnh báo tự động, tổ chức người cảnh giới, ngăn ngừa, xóa bỏ các đường ngang trái phép. Kiên quyết không để tình trạng ném đá lên tàu xảy ra trên địa bàn. Các cơ quan thong tin, tuyên truyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội có kế hoạch và biện pháp cụ thể để tuyên truyền hội viên của mình thực hiện thắng lợi tháng ATGT.