''Văn hoá giao thông'' của cộng đồng

Thứ ba, 04/03/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do những chiếc xe không an toàn, người lái không nghiêm chỉnh, luật lệ không nghiêm minh, sự tụt hậu về “văn hoá giao thông”. Đó là lý giải về những tai nạn giao thông vừa xảy ra và cũng là lời nhắn gửi của một công dân trẻ đến cộng đồng.
    Do những chiếc xe không an toàn, người lái không nghiêm chỉnh, luật lệ không nghiêm minh, sự tụt hậu về “văn hoá giao thông”. Đó là lý giải về những tai nạn giao thông vừa xảy ra và cũng là lời nhắn gửi của một công dân trẻ đến cộng đồng.
Hà Nội thật là bận bịu. Không biết vì mấy hôm nay gió mùa thổi lạnh hay vì thời gian hối hả mà những người Hà Nội ai nấy đều khẩu trang kín mặt phóng xe vội vã trên đường, không kịp dừng lại khi đèn chuyển vàng nơi ngã tư tấp nập.
 
    Khi xe tôi dừng lại trước vạch sơn ngã tư, giật mình vì một chiếc xe máy phóng vụt qua, người bạn đi cùng tôi cười, hỏi: “Em có biết ở Hà Nội mình đèn vàng có tác dụng gì không?”. Không kịp để tôi trả lời, anh tiếp: “Đó là đèn báo chú ý công an. Này nhé, đèn vàng, bóp nhẹ phanh, lia mắt thật nhanh xem có chú công an nào đứng đó không. Nếu có thì dừng lại, nếu không thì vặn ga.”
Ôi! Câu nói đùa của anh khiến tôi cười mà thấy lòng buồn… Chợt nhớ đã từng đọc mẩu chuyện nhỏ, nhân vật trong chuyện nói ông không bao giờ cảm thấy sốt ruột mỗi khi dừng lại ở ngã tư đèn đỏ, vì mỗi phút đứng nơi ngã tư đèn đỏ ông đều dành thời gian để suy nghĩ tới những người thân yêu, nhờ chúa gửi đến họ lời chúc tốt lành. Đó là câu chuyện viết từ một nước phương tây mà nền kinh tế phát triển đã đẩy cuộc sống đi nhanh chóng mặt. Tôi nhớ chuyện ấy rồi liên tưởng tới Hà Nội của mình, băn khoăn vừa vui vừa buồn…
Vui vì dòng người hối hả ấy là tín hiệu của nền kinh tế đang có nhiều hơn việc làm và cơ hội, là năng suất lao động xã hội cao hơn, là thu nhập quốc dân tăng và đời sống vật chất của người dân được cải thiện…

    Buồn vì đi trên đường không phải là một Hà Nội chỉ với những con người “làm việc đấy, vội vàng đấy, tất bật đấy, nhưng mỗi ngày đều trôi qua bằng dáng vẻ tao nhã, thanh lịch” như trong bài viết trên Thư Hà Nội mà tôi mới đọc, mà vẫn còn nhiều người đang cư xử như thể câu thơ: “chật nhà
 
 Cứ phải vượt trên vạch sơn! Ảnh: Phạm Hải
thì nép, chật đường thì chen”…, vẫn còn không ít những chàng trai trẻ mắt mũi nhớn nhác dừng xe vượt quá vạch sơn nơi ngã tư đèn đỏ, chưa đợi đèn xanh kịp bật lên đã vội vàng phóng vút đi khiến những người đi ở tuyến đường bên kia hoảng hồn… Nhìn vậy mà lòng băn khoăn không biết có những công việc gì quan trọng đang đợi họ đến nỗi họ không thể có thêm 2 giây cho việc chấp hành luật giao thông như thế?!

 Buổi trưa ngồi uống nước trên tầng 2 quán cà phê Quán Thánh, nhìn xuống ngã tư, thấy cảnh “thành phố trên xe máy” diễn ra như một cuốn phim thời sự sống: Một “chàng trai” biểu diễn phóng vụt qua tín hiệu đèn đỏ. Ba em nhỏ mà trên tay áo đồng phục trắng còn đính huy hiệu của trường học lai nhau trên một chiếc xe wave màu xanh. Một chiếc xe đi ngược chiều mà vẫn phóng nhanh như đi trên đường làng của mình, không chút ngại ngần. Những khách du lịch nước ngoài với vẻ mặt hết hồn vì những chiếc xe máy phóng vèo qua mặt họ ngay trên phần đường dành cho người đi bộ…Một cặp xe máy phóng lạng lách trên đường phố đông người. Một chiếc xe máy gắn còi hơi ô tô làm giật mình những người đi bên cạnh. Vân vân và vân vân...

    Tôi chợt nhớ có lần cũng đã phải đỏ mặt ngó lơ đi chỗ khác khi thấy một người nước ngoài hào hứng xem một quyển sách ảnh trong hiệu sách Tràng Tiền, quyển sách ảnh “thành phố trên xe máy” của một phóng viên nước ngoài về Hà Nội, gồm toàn những bức hình mà người Việt mình đi xe máy như làm xiếc trên đường phố, với 3 người nữa ở yên sau xe máy, hay với những sọt hàng to,
 
 Cảnh phổ biến trên đường.
Ảnh: Phạm Hải
những chiếc cũi nhốt đầy gà vịt cao gấp 2 lần người lái xe…Người cầm lái quay nhìn vào ống kính với nụ cười rạng rỡ, không hề ý thức được mình đang vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường phố, không nghĩ rằng người nước ngoài chụp ảnh ấy đang vô cùng hiếu kỳ và ngạc nhiên về văn minh giao thông nước mình.
     Hoá ra ở Hà Nội ngàn năm văn vật này vẫn có những cư dân, thường trú và tạm trú, với họ trên đời dường như không tồn tại những luật lệ về giao thông, hoặc mắt họ không bao giờ nhìn tới những biển báo, những cột đèn chỉ dẫn, chỉ chú ý xem có cảnh sát đứng đâu đó hay không mà thôi…
     Những con người và những hiện tượng như trên không còn là đơn lẻ, không chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp. Điều đáng buồn, đáng lo, đáng sợ chính là chỗ đó, ở tính phổ biến của chúng trong thành phố mình, trong xã hội mình, nó như là một chỉ số của trình độ văn minh, nếp văn hoá của một bộ phận đáng kể dân chúng. Vì vậy mới có câu chuyện kể của người bạn đi cùng sau đây. Anh ấy bảo: “Anh có một thằng bạn, nó không bao giờ đi qua ngã tư khi đèn xanh, chỉ vượt đèn đỏ. Hỏi tại sao thì nó trả lời rằng anh trai nó cũng hay vượt đèn đỏ, nó sợ đi khi đèn xanh thì sẽ đâm phải anh mình vượt đèn đỏ ở tuyến đường kia”. Có thể đó chỉ là một câu chuyện hài hước lượm lặt đâu đó trên mạng mà thôi, nhưng cũng là một tín hiệu cho thấy tình trạng “văn hoá giao thông” đã đến mức là cơn bệnh trầm kha cần phải lên tiếng, cần bật "đèn đỏ" cho mọi người, cho toàn thể cộng đồng.
    Làm sao có thể im lặng được, khi có ngày tai nạn giao thông cướp đi cả 50 sinh mạng đồng bào mình. Vậy mà con số thống kê khoảng 70 người mất đi trong cơn bão dữ Durian vừa qua đã làm cả nước đau lòng, xôn xao. Đáng nói là một năm có vài ba trận cuồng phong, trong lúc một năm có những 365 ngày mà ngày nào cũng có hàng chục người bị tai nạn xe cộ!
 Khi tôi viết bài này thì bỗng nhận được một tin đau đớn: một nhà khoa học, một nhà giáo dục có tiếng ở nước ta, GS Nguyễn Văn Đạo vừa từ trần, vì bị một chiếc xe máy, xin nhấn mạnh một chiếc xe máy, phóng nhanh đâm vào khi ông đi bộ qua đường!
Và cũng chỉ vài ngày trước đây, nhà toán học nổi tiếng thế giới Seymour Papert (Mỹ) đã bị một chiếc xe máy, cũng là xe máy, đâm phải khi ông đang đi  băng qua đường Hà Nội. Điều cay đắng hơn nữa là tai nạn đến với ông đúng vào lúc ông đang đến đất nước này với một bài thuyết trình về một mô hình toán học mô phỏng tình trạng giao thông của thành phố. Thêm một nỗi đau thương, cọng với sự cay đắng lẫn hổ thẹn không thể phân trần.
    Đã đến lúc cả cộng đồng phải mạnh mẽ và kiên trì thay đổi nhanh chóng thói quen lạc hậu ngàn năm để lại, vươn nhanh tới một nếp “văn hoá giao thông” của xã hội công nghiệp, xã hội tiên tiến. Làm sao mọi người đều thấm thía và tự giác hành động với ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông vì lợi ích của chính mình, của những người thân và cả cộng đồng xã hội.
Dĩ nhiên, vai trò của luật pháp vẫn vô cùng quan trọng. Vì khi dân trí chưa cao thì ở đâu có bóng áo vàng của các anh cảnh sát giao thông, ở đó người dân đi đứng đâu vào đấy, một nửa bánh xe cũng ngại chờm lên vạch sơn. Chính nhờ những bóng áo vàng, trong những ngày của tuần lễ APEC, có mặt khắp nơi trên những phố chính mà  thành phố bỗng đẹp đẽ vô cùng, hoa cúc vàng tươi trên hè và dưới đường dân tình đi lại cũng rất nghiêm chỉnh.
    Tôi, một công dân nhỏ bé thuộc thế hệ 8X, cũng giống như mọi công dân Việt Nam khác, tự hào vô cùng về tổ quốc mình, về truyền thống dân tộc…Tôi cũng tự hào về Thủ đô Hà Nội, về những vỉa hè thành phố đầy lá sấu rụng vàng, những con đường nhỏ nồng nàn hoa sữa mùa thu…
    Nhưng khi bắt gặp, trong phim tài liệu một nước phát triển, một chiếc xe tải 18 bánh cồng kềnh dừng lại trước đèn đỏ trên đường cao tốc liên bang không một bóng người, tôi cũng ước ao đến ngày người Việt mình cũng có được ý thức, thói quen chấp hành luật giao thông như thế. Để không một vị khách du lịch nào còn phát biểu khi được phỏng vấn rằng: “Việt Nam đẹp và hiếu khách nhưng giao thông Việt Nam thật hãi hùng!”. Để không một người Việt đang sinh sống ở nước ngoài nào trước khi về nước đều được dặn phải cẩn thận với giao thông ở quê nhà. Để những đứa trẻ không bất ngờ mất đi người bố hay người mẹ thân yêu và chúng ta không phải mất đi những tài năng khoa học mà tính mạng của họ vừa bị cướp đi, thật xót xa, chỉ bởi những chiếc xe máy không an toàn, người lái xe nào đó không nghiêm chỉnh, một luật lệ không nghiêm minh, và nói chung, một sự tụt hậu về “văn hoá giao thông” của cộng đồng.

Theo VietNamnet

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)