Làm sao đề có "Văn hóa giao thông" ?

Thứ ba, 04/03/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đường sá đã trở nên chật chội hơn nhiều, xe máy phóng với tốc độ cao gấp nhiều lần xe đạp hay ba-gác xích lô, nhưng “văn hoá giao thông” thì tiến rất chậm, chậm hơn cả tốc độ xe đạp(?).
Thanh Thảo
Đường sá đã trở nên chật chội hơn nhiều, xe máy phóng với tốc độ cao gấp nhiều lần xe đạp hay ba-gác xích lô, nhưng “văn hoá giao thông” thì tiến rất chậm, chậm hơn cả tốc độ xe đạp(?).

    Tổng kết tai nạn giao thông đường bộ trong năm 2006 cho biết, đã có hơn 12.600 người chết, 11.253 người bị thương. Như thế là số người bị tai nạn giao thông nhiều gấp…100 lần số người bị tai nạn bão số 9! Chỉ khác nhau là bão đến và gây tai nạn trong một lúc, còn tai nạn giao thông “rải đều” suốt trong năm.
Đã có những ý kiến lo âu, nếu “căn bệnh” tai nạn giao thông nghiêm trọng như thế này không thuyên giảm, thì khả năng hội nhập của Việt Nam vào thế giới sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong bài thơ mới đây nhất của mình viết về nỗi đau khi vị giáo sư toán học người Mỹ bị chấn thương nặng sau một tai nạn giao thông tại Hà Nội, và sau cái chết đau đớn của GS-Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, anh Điềm đã gọi tên “thủ phạm” gây ra những tai nạn thương tâm kia là “sự hung bạo”, một sự hung bạo bắt nguồn từ rất lâu, rất xa, và “lạng lách đánh võng” qua thời gian qua những biến thiên của lịch sử để tới bây giờ vẫn hiện nguyên hình là “sự hung bạo”.

    Khi đã nói tới một biểu tượng khái quát như thế, người ta phải nghĩ ngay đến văn hoá. Tai nạn giao thông mà dính tới, mà gắn liền với văn hoá sao?
Đúng thế! Sau chiến tranh, chúng ta đã phải sống một thời gian khá dài trong sự ức chế xã hội. Sự ức chế “tập thể” này dẫn tới những ức chế cá nhân biểu hiện ra bằng rất nhiều kiểu nhiều cách. Từ chỗ hô hào “làm chủ tập thể” mà không ai thực sự làm chủ, kể cả làm chủ bản thân mình, đã dẫn tới những biểu hiện “vô chính phủ” trên đường. Mạnh ai nấy đi, bất chấp luật lệ, bất chấp người đồng hành. Và mỗi khi có va quệt, đụng độ là lập tức “văn hoá ga Hàng Cỏ” sẽ cất tiếng!

    Những năm sau hoà bình, lưu lượng xe cộ cũng như các phương tiện lưu thông còn rất nghèo nàn lạc hậu, nhưng tai nạn giao thông đã xảy ra liên tục ngay từ những năm tháng ấy. Sau này, khi đất nước đi vào đổi mới và bắt đầu phát triển, những phương tiện lưu thông trên đường ngày càng nhiều hơn, ngày càng hiện đại hơn, nhưng cái “văn hoá giành đường lấn đất, mạnh ai nấy chạy” gần như vẫn còn nguyên, rất ít thay đổi. Đường sá đã trở nên chật chội hơn nhiều, xe máy phóng với tốc độ cao gấp nhiều lần xe đạp hay ba-gác xích lô, nhưng “văn hoá giao thông” thì tiến rất chậm, chậm hơn cả tốc độ xe đạp(?). Hay nói cho đúng, chúng ta chưa bao giờ “lấy làm điều” về chuyện những người lưu thông trên đường không hề quan tâm gì tới “văn hoá giao thông”, cứ như loại văn hoá ấy không hề có trên đời, và ai nói ra thì chỉ là những kẻ “gàn”.

    Nhưng văn hoá giao thông là có thật. Nó hoà nhập trong các ứng xử văn hoá khác của con người, nhất là con người đô thị, nhất là ở những đô thị hiện đại. Nếu có dịp ra nước ngoài, ta sẽ thấy, người ở các nước phát triển điều khiển phương tiện giao thông như thế nào ? Và họ đối xử với nhau, những người cùng lưu thông trên đường với mình, ra sao?


   Tại sao du khách đến VN luôn chấp hành đúng luật giao thông?

    Tôi đã có hơn một lần chứng kiến cách chạy xe từ tốn, những hành xử nhường đường, nhường chỗ rất văn hoá của những người chạy xe ở các nước phát triển. Cái cách họ nói với nhau khi nhỡ có va quệt cũng khiến tôi thấy nhẹ lòng: họ luôn cư xử như những người tử tế. Cũng vì họ biết, phía trên họ là pháp luật, với những qui định nghiêm minh, rõ ràng, và cũng “phía trên” họ theo nghĩa đen, là những camera tự động trên các xa lộ thường xuyên quan sát nhất cử nhất động của họ.

    “Ngượng trước camera” chăng ? Có thể lắm chứ, như kiểu một số quan chức tham nhũng hay phạm pháp của ta đứng trước ống kính truyền hình hay trước máy ảnh nhà báo ấy mà ! Chỉ có điều, người ở các nước phát triển (bây giờ thì tôi biết, gọi “những nước phát triển” trước hết là hàm ý ở những nước ấy văn hoá phát triển, người dân sống và hành xử với văn hoá cao, tôn trọng văn hoá) hiểu sâu sắc một điều: mình quí mạng sống của mình bao nhiêu thì cũng phải biết quí mạng sống của người khác bấy nhiêu.
Chỉ khi thấu hiểu điều ấy, và cũng hiểu, pháp luật không dung tha cho bất cứ ai dù ở bất cứ cương vị nào, được “ưu tiên vi phạm pháp luật”, trong đó có luật giao thông, thì người ta sẽ biết điều chỉnh, với mình, và với người khác, để những sự lưu thông trên đường đúng nghĩa là “lưu thông”.

    "Văn hoá giao thông", làm sao để có? Và có phổ biến? Điều này tôi nghĩ không thể ngày một ngày hai. Nhưng nếu không nghĩ tới, và không khiến người giao thông trên đường có được văn hoá này, thì tai nạn giao thông sẽ còn rất lâu mới có cơ giảm thiểu. Dĩ nhiên, những con đường phải được mở rộng và làm tốt, những “nút cổ chai” trong thành phố phải được tháo gỡ. Nhưng một khi chưa có được văn hoá giao thông thì như ta đã biết, càng đường cao tốc tai nạn càng nhiều, tai nạn càng nghiêm trọng./.

Ảnh: D.Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)