Việc phân làn, kẻ vạch tại các nút tín hiệu giao thông có hệ thống đèn là để "nắn dòng" giới hạn việc dừng xe nhằm điều tiết giao thông một cách thông suốt và an toàn. Cạnh đó, việc kẻ vạch phân làn vỉa hè nhằm quản lý việc đậu đỗ xe, tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ và cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, một "thói quen" xấu của nhiều người đang cản trở mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông - văn minh đô thị mà thành phố hướng tới.
Việc phân làn, kẻ vạch tại các nút tín hiệu giao thông có hệ thống đèn là để "nắn dòng" giới hạn việc dừng xe nhằm điều tiết giao thông một cách thông suốt và an toàn. Cạnh đó, việc kẻ vạch phân làn vỉa hè nhằm quản lý việc đậu đỗ xe, tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ và cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, một "thói quen" xấu của nhiều người đang cản trở mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông - văn minh đô thị mà thành phố hướng tới.
Hình ảnh xe đậu đỗ không đúng quy định được hệ thống camera của Trung tâm Điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng ghi lại.
Tại các giao lộ có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nhiều người tỏ ra khó chịu khi được CSGT yêu cầu họ lùi xe về dưới vạch dừng, dù mới chỉ "chớm" lên có... một bánh xe. Họ giải thích rằng, dù vượt qua vạch nhưng đã dừng lại và không gây nguy hiểm cho người và phương tiện đang lưu thông ở hướng vuông góc đang trong trạng thái đèn xanh. Vậy thì vì sao CSGT lại vẫn một mực yêu cầu họ lùi cho bằng được?
Nếu ai cũng suy nghĩ như vậy, mỗi người "trườn" lên một tí, phía đối diện cũng vậy thì cái vạch dừng trở nên vô nghĩa. Thói quen của một bộ phận người tham gia giao thông là cố gắng lách để được lên phía trước, kể cả việc cố tình "việt vị" ở vạch dừng và vạch phân làn mỗi khi có đèn đỏ, dù thực tế việc đó không làm cho họ đi nhanh hơn mà ngược lại vừa gây mất an toàn vừa tạo ra hình ảnh không mấy trật tự ở các giao lộ.
"Nhiều lúc mình chủ động dừng xe trước vạch khi báo đèn vàng. Đến khi có đèn đỏ thì số người dừng trước vạch nhiều lên nhưng bỗng nhiên có người từ đâu phía sau cố tình cho xe chen lấn, húc vào xe người phía trước đè lên chân người bên cạnh", chị Huỳnh Thị Ba - một công chức P. Mân Thái, Q. Sơn Trà cho biết. Còn ông Trần Nguyễn Công Sáu - người dân trú tổ 49, P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê thì cho rằng, dù những người này không có ý định vượt đèn đỏ nhưng luôn cố tình chui lên trên, đèn đỏ nhưng cứ bấm còi inh ỏi, gây ồn ào và khó chịu cho nhiều người.
Theo Trung tâm Điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố, việc dừng xe lấn làn và đè vạch dừng tại các nút tín hiệu giao thông có hệ thống đèn tín hiệu xảy ra phổ biến tại các nút có mật độ giao thông cao như: Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Trần Cao Vân - Hà Huy Tập, Phan Châu Trinh - Trần Quốc Toản - Trần Bình Trọng, Cách Mạng Tháng Tám - Ông Ích Đường, Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập, Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm, Trưng Nữ Vương - Nguyễn Hữu Thọ.
Lấn vạch, đè vạch - một thói quen xấu của người tham gia giao thông.
Trong một hội thảo bàn về biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT - Trật tự đô thị mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc CATP Đà Nẵng đã kể một câu chuyện rất đáng lưu ý. Tại ngã tư ngay trước Trung tâm hành chính H. Hòa Vang, rất xa trung tâm thành phố, dù đường rất vắng vẻ nhưng khi có tín hiệu đèn đỏ, rất ít người dân tham gia giao thông lúc đó tự giác dừng xe phía sau vạch kẻ, không vượt, cũng không lấn. Ý thức của người dân ở ngoại vi thành phố chắc chắn khiến một bộ phận những người được tiếp cận chủ trương, chính sách, hiểu luật nhiều phải tự xem lại mình.
Trong thời gian qua, tại một số khu vực nội thành, thành phố cũng đã triển khai kẻ vạch phân làn vỉa hè nhằm quản lý việc đậu đỗ xe, tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ và cảnh quan đô thị. Việc làm này bước đầu đã tạo ra sự thông thoáng bất ngờ cho những vỉa hè xưa nay có cảm giác chật chội, dù vẫn cùng một diện tích đó. Tuy vậy, không hiểu do chủ trương chưa đến tai hay là biết nhưng làm ngơ mà nhiều người vẫn xí chỗ của người đi bộ để đậu đỗ phương tiện. Không chỉ xe máy mà nhiều người còn điều khiển cả ô tô lên vỉa hè để... đậu cho gọn.
Thế là đang thong dong trên khu vực an toàn, người đi bộ lại phải xuống lòng đường để bọc qua chướng ngại vật sang trọng đã được xí chỗ cho xế hộp. "Tôi thấy rất ngạc nhiên, trong khi thành phố cố gắng tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ thì một anh nào đó lại lái chiếc ô-tô leo lên đậu chình ình trên vỉa hè, chắn tầm nhìn, chắn lối đi. Nhìn rất phản cảm! Có thể đó là nhà họ, nhưng vỉa hè là của chung", ông Phạm Văn Trà - cán bộ một Cty nằm trên đường Nguyễn Văn Linh bức xúc.
Theo Trung tâm Điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng, thông qua các hình ảnh cung cấp bởi hệ thống camera quan sát giao thông, trong tháng 11 vừa qua, đơn vị này đã phát hiện hàng chục phương tiện đậu đỗ không đúng quy định cả trên vỉa hè và lòng lề đường đồng thời phối hợp cùng các cơ quan liên quan lập hồ sơ xử lý.
Riêng hành vi dừng xe lấn làn và đè vạch dừng tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông thì còn rất nhiều. Mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông - văn minh đô thị chắc chắn sẽ còn rất gian nan nếu không tập trung các biện pháp để "gỡ" dần những thói quen xấu của người tham gia giao thông.