Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) hiện có nhiều trường học nằm ở vị trí trung tâm, nơi có các tuyến đường giao thông quan trọng và mật độ dân số đông. Với đặc thù này, việc đưa đón học sinh, đặc biệt là vào giờ tan trường đã tạo ra không ít bất cập trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ý thức, văn hóa giao thông của nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế.
Cảnh sát giao thông thành phố Đông Hà thường xuyên tổ chức tuyên truyền,
bảo đảm trật tự ATGT tại các trường học
Trường Tiểu học Hùng Vương nằm trên đường Hùng Vương, trục giao thông huyết mạch của thành phố Đông Hà, luôn có lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Có mặt tại cổng trường vào giờ tan trường rất dễ nhận ra tình trạng phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đón con em vì việc dừng đỗ xe ô tô, xe máy của nhiều phụ huynh khác sai quy định, choán hết cổng trường và lấn chiếm lòng đường. Nhiều phụ huynh cho biết, do lượng người đưa đón học sinh đông, nhà trường đã linh động cho phép đưa xe máy vào một phần sân trường để đón các cháu nhưng rất nhiều khi họ phải khó khăn lắm mới ra được đường Hùng Vương, ra đến nơi cũng không thể lưu thông vì có rất nhiều phương tiện giao thông, nhất là xe ô tô đậu đỗ hàng hai, hàng ba. Không chỉ phụ huynh, người tham gia giao thông qua đây vào thời điểm này cũng gặp nhiều phiền phức và bất an vì tình trạng dừng đỗ sai quy định, lấn chiếm lòng đường gây ùn tắc giao thông. Lý giải về việc dừng đỗ xe sai quy định, một số chủ phương tiện cho rằng, không làm như thế thì không kịp đón con và lỗi vi phạm này diễn ra rất phổ biến, nhất khi không có lực lượng chức năng.
Ở Quốc lộ 9, đoạn trước Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành; đường Hùng Vương nối dài trước Trường Trưng Vương; đường Lê Chưởng trước Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc; đường Hai Bà Trưng trước Trường Mầm non Hoa Sen... tình trạng phụ huynh sử dụng xe ô tô, xe máy dừng đỗ tùy tiện để đưa đón con em cũng đang diễn ra phổ biến gây cản trở, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Một vi phạm khác cũng đang diễn ra là tình trạng nhiều trẻ em khi ngồi trên xe gắn máy đến trường nhưng không được phụ huynh đội mũ bảo hiểm mặc dù từ trung tuần tháng 4/2015, lực lượng Cảnh sát giao thông bắt đầu xử phạt vi phạm này sau một thời gian tuyên truyền, nhắc nhở. Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đông Hà cho biết, để chấn chỉnh, xử lý những vi phạm như dừng đỗ xe ô tô, xe máy sai quy định, gây cản trở, mất an toàn giao thông và việc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm trẻ em khi ngồi trên xe máy, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã tổ chức rất nhiều đợt ra quân để tuyên truyền, nhắc nhở cũng như xử lý theo quy định. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này thì nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông là chưa đủ mà phải cần thêm ý thức, văn hóa giao thông của mỗi người.
Thực trạng trên cho thấy, rất khó để xây dựng văn hóa giao thông, một yếu tố quan trọng trong xây dựng văn hóa văn minh đô thị khi vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng còn thiếu ý thức chấp hành pháp luật và thiếu quan tâm đến những người xung quanh. Sự thiếu gương mẫu của người lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ thiếu ý thức, văn hóa trong tham gia giao thông dẫn đến những vi phạm và càng lo ngại hơn là số vụ tai nạn giao thông phần lớn đều do thanh thiếu niên gây ra, số người thương vong do tai nạn giao thông trong độ tuổi này cũng chiếm tỷ lệ cao.
Đông Hà đang hướng đến mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện, và một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai thực hiện Bộ tiêu chí thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị theo Quyết định số 340/QĐ - UBND ngày 12/4/2015 của UBND thành phố và thực hiện chủ đề năm “Xây dựng văn minh đô thị” với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có nội dung xây dựng văn hóa giao thông.
Để hình thành văn hoá giao thông, giải pháp cơ bản, lâu dài cần tập trung thực hiện là các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố Đông Hà cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật an toàn giao thông bằng những nội dung và hình thức phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng trong xã hội. Chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở với công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm để từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng. Cùng với nhà trường, gia đình giữ vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục con em chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, đây là trường học đầu tiên và đặc biệt quan trọng của trẻ em về ý thức, văn hóa giao thông. Vì vậy, hơn ai hết những bậc phụ huynh hãy là những người luôn tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong mọi trường hợp; bình tĩnh, chủ động nhường nhịn lẫn nhau khi gặp sự cố và luôn quan tâm giúp đỡ người khác khi tham gia giao thông.