Văn hoá giao thông (VHGT) không chỉ là cách ứng xử với nhau trong giao thông, mà người tham gia giao thông còn phải chấp hành nghiêm luật và các quy định về ATGT. Tuy nhiên, phong trào chưa phát triển bền vững trong đời sống xã hội, khi bộ phận người tham gia giao thông ý thức, trách nhiệm thực hiện VHGT vẫn còn rất kém.
Thực tế, giao thông đường bộ, những vi phạm về nồng độ cồn, chạy xe không đúng làn đường, chạy quá tốc độ, lạng lách, sử dụng còi tuỳ tiện, vượt đèn đỏ… còn ở mức cao. Lo ngại nhất là khu vực nông thôn, tình trạng điều khiển xe gắn máy không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định… xảy ra thường xuyên, trong khi lộ nông thôn thường có những cua quẹo rất nguy hiểm mà hệ thống biển chưa hoàn chỉnh, không có đèn báo tín hiệu giao thông.
Đối với giao thông đường thuỷ, qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “VHGT với bình yên sông nước”, nhiều mô hình “VHGT đường thuỷ” đã được các đơn vị, địa phương xây dựng mang tính chuyên sâu đặc thù theo điều kiện của từng nơi, từ đó tình hình trật tự ATGT ổn định, TNGT giảm qua từng năm. Song, do thiếu sự phối hợp trong tuyên truyền vận động, kiểm tra nhắc nhở nên tình trạng đặt chướng ngại vật khai thác thuỷ sản trên sông, đò đưa rước học sinh không đảm bảo an toàn, học sinh đến trường bằng phương tiện đường thuỷ không trang bị áo phao… vẫn chưa được giáo dục, xử lý triệt để.
Học sinh vùng sâu đến trường bằng phương tiện đường thuỷ không trang bị áo phao
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Liêm, thời gian qua, sở triển khai nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT. Cụ thể là buộc phụ huynh học sinh phải ký cam kết đảm bảo ATGT ngay từ đầu năm học, thường xuyên phổ biến quy định pháp luật về ATGT trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, trong các giờ lên lớp, thành lập đoàn rà soát số lượng học sinh đi xe gắn máy có phân khối lớn và kiểm tra giấy phép lái xe… Song song đó, xử lý học sinh vi phạm trật tự ATGT phải công khai, đưa vào bình xét thi đua ở các đơn vị trường học và trường nào có số lượng học sinh vi phạm nhiều thì trước nhất hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm đối với sở. Vì vậy, trong năm 2015, vi phạm trật tự ATGT trong học sinh, sinh viên ít xảy ra (căn cứ theo thông báo của cảnh sát giao thông), có hai trường hợp TNGT, làm chết một em và bị thương hai em.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Dương Thanh Thử, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, vi phạm trật tự ATGT trong học sinh, sinh viên không phải ít, nhưng trường hợp bị phát hiện vi phạm, các em không mặc đồng phục và chỉ khai nơi cư trú nên lực lượng làm nhiệm vụ căn cứ theo đó mà thông báo về địa phương danh tính người vi phạm. Cho nên, chặt chẽ hơn trong việc xử lý đối tượng này thì địa phương khi nhận được thông báo cần phải xác minh, nếu là học sinh thì thông báo cho nhà trường, là đoàn viên thì báo với đoàn cơ sở nơi đối tượng sinh hoạt, hoặc giao cho đoàn phường và gia đình giáo dục, nhắc nhở… Tác động từ nhiều phía và bằng nhiều hình thức vận động, thuyết phục để các em tự ý thức rằng, xây dựng VHGT là giữ gìn sự an toàn cho cộng đồng xã hội, nhưng trước hết là giữ sự an toàn cho bản thân mình.
Xây dựng VHGT trở thành phong trào phát triển bền vững trong đời sống xã hội thì sẽ kéo giảm được TNGT. Do đó, tất cả người tham gia giao thông đều ý thức thể hiện VHGT thì trật tự ATGT chuyển biến tích cực và ổn định hơn.