Thời gian vừa qua, việc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt người đi bộ trên địa bàn vi phạm Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) bước đầu đã làm chuyển biến ý thức người dân. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng mở đợt cao điểm, giờ đâu lại vào đấy.
Có cầu… cũng chẳng đi
Nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ cũng như góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn, TP Hà Nội đã cho triển khai xây dựng nhiều cầu, hầm đi bộ tại các điểm nóng giao thông trong nội thành. Chỉ tính riêng trên trục đường Vành đai 3 (tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến) có đến 17 hầm đi bộ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nút giao Ngã Tư Sở cũng được đầu tư xây dựng hầm bộ hành xây dựng hiện đại với kinh phí lên đến gần 3 triệu USD.
Cùng với đó, những cây cầu đi bộ cũng đều đã được lắp đặt tại trước cửa Học viện Ngân hàng, Đại học Quốc gia, ngã ba Văn Điển, Bệnh viện Bạch Mai, đường Trần Khát Trân… vốn là những nơi tập trung đông lưu lượng người qua lại.
Có cầu đi bộ nhưng nhiều người vẫn chọn cách băng qua đường.
Tuy nhiên có một nghịch lý lại đang diễn ra đó là đại bộ phận người đi bộ vẫn ngang nhiên băng qua đường giữa dòng xe cơ giới, thậm chí dù đã có rào chắn phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nhưng nhiều người đi bộ vẫn cố leo qua, bất chấp sự nguy hiểm luôn rình rập. Mới đây nhất, vào đêm ngày 16/10, trên đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài, một vụ va cham giao thông nghiêm trọng đã xảy ra khi một đôi nam nữ cố tình vượt qua giải phân cách để sang đường bắt xe.
Hậu quả là cả hai được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bắc Thăng Long trong tình trạng nguy kịch. Từ những vụ tai nạn không đáng có ở trên, nhiều chuyên gia cho rằng chính người đi bộ đã góp phần thêm “lửa” cho tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông vốn đã khó kiểm soát.
Phải làm đến cùng
Để cấn chỉnh tình trạng này, vào đầu năm nay, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân cao điểm xử lý nghiêm các trường hợp người đi bộ vi phạm. Thực tế không cần phải đến tháng cao điểm, mà đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) khi triển khai thực hiện theo quy định về xử lý vi phạm pháp luật về GTĐB đối với người và phương tiện tham gia GTĐB.
Về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn - Đội phó Đội CSGT số 4 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, chủ trương xử phạt người đi bộ phạm luật là đúng, tuy nhiên quá trình thực thi có nhiều bất cập nảy sinh. Ví dụ như nhiều trường hợp người vi phạm cao tuổi, đi tập thể dục hay đi chợ, không mang theo giấy tờ tùy thân và tiền để nộp phạt, khiến CSGT lúng túng trong xử lý.
Thực tế này đòi hỏi các cấp chính quyền cần có hướng dẫn cụ thể hơn để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện xử phạt tại chỗ cần ghi nhận thông tin cá nhân rồi đưa về địa phương tiếp tục xử lý chứ không chỉ nhắc nhở qua loa... Ghi nhận trên các địa bàn trọng điểm trong đợt ra quân vừa qua như quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, đường Vành đai 3 cho thấy hiện tượng người đi bộ vi phạm luật giao thông, ra vào đường cấm vẫn diễn ra phổ biến và hầu như không bị xử phạt. Chỉ vì muốn nhanh hơn một phút, tiện hơn một chút, nên nhiều người thờ ơ với các công trình giao thông phục vụ người đi bộ đã gây lãng phí tiền đầu tư và còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ách tắc đường phố, mất mỹ quan đô thị.
Chia sẻ dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông đô thị cũng cho rằng việc xử phạt người đi bộ là cần thiết vì ý thức của người đi bộ hiện nay rất kém trong tình hình giao thông hiện nay. Bên cạnh hoạt động xử phạt gặp khó khăn, công tác tuyên truyền cũng được đánh giá là chưa đạt hiệu quả. Bằng chứng là vào những ngày cao điểm, khi lực lượng chức năng liên tục tiến hành kiểm tra, nhắc nhở thì ý thức chấp hành của người dân là tốt lên hẳn nhưng chỉ tiếc là không duy trì được lâu.
Bởi vậy, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, thực tế này đặt ra các yêu cầu bức thiết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, để kiểm soát tình hình vi phạm và tạo điều kiện để người đi bộ chấp hành. Bên cạnh đó, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, cũng cần tính đến các hình thức xử phạt bổ sung như yêu cầu người vi phạm lao động công ích để tăng tính răn đe. Có như vậy, các quy định pháp luật mới được tuân thủ hiệu quả hơn, vì mục tiêu chung hạn chế tái diễn vi phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân.”Quan trọng hơn cả, việc xử phạt cũng như tuyên truyền phải được tiến hành xuyên suốt, đồng bộ, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, muốn nhanh chóng đưa ý thức tham gia giao thông của người đi bộ vào nền nếp, lực lượng chức năng cần duy trì liên tục, có hiệu quả công tác xử lý, không thể vì những bất cập nảy sinh mà buông xuôi để vi phạm tiếp tục diễn ra.