Lại một mùa giải V-League nữa khởi tranh mang theo kỳ vọng của các cổ động viên (CĐV) về một giải đấu có văn hóa, hấp dẫn, và mang đậm tính nhân văn. Muốn vậy, V-League cần 1 khái niệm về "Văn hóa".
Hội cổ động viên VFS. Ảnh thanhnien.vn
Theo định nghĩa của Bộ Giao thông vận tải, "Văn hóa giao thông" trước tiên, là "phải hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông". Đó có thể coi là một khái niệm bao quát nhất, không chỉ với cụm từ "Văn hóa giao thông", mà còn với bất kỳ khái niệm văn hóa nào ở bất cứ lĩnh vực nào trong phạm vi xã hội.
Khi bóng đá trở thành một trong những hoạt động văn hóa được quan tâm nhất hiện nay, biết đâu chừng một định nghĩa rõ ràng về "Văn hóa bóng đá" có thể giúp cải thiện chất lượng của Giải bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, hay còn gọi là V-League.
Nếu một công dân tham gia vào mạng lưới giao thông hàng ngày, hô hào mình có "Văn hóa giao thông" mà không nắm rõ luật, thường xuyên sai phạm và lưu thông theo ý muốn cá nhân, thì công dân đó sẽ tỏ ra kệch cỡm trong con mắt cộng đồng.
Trong thế giới bóng đá cũng vậy, những người tuyên thệ trước trận đấu sẽ chấp hành nghiêm chỉnh những điều lệ, những nguyên tắc của giải đấu rất đáng được tôn trọng. Mùa giải V-League năm nay, hoạt động tuyên thệ trước trận đấu của các trọng tài và các cầu thủ rất có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm xây dựng một nền bóng đá "xanh, sạch, đẹp" của giới lãnh đạo giải đấu hàng đầu Việt Nam. Nếu không làm được những gì đã hứa, họ sẽ trở thành trò hề trong con mắt công chúng.
Nhưng thực tế không thể nào dễ dàng như những lời tuyên thệ đó. Đơn cử như trong một tình huống bất đắc dĩ trên sân, một hậu vệ sẽ chú ý đến mối hiểm họa mà đối phương đang gây ra cho khung thành đội nhà, hơn là những gì anh ta đã hứa trước trận đấu.
"Văn hóa giao thông" trước tiên, là "phải hiểu biết đầy đủ
và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông". Ảnh thanhnien.vn
Nếu bóng đá có thể "xanh, sạch, đẹp" 100%, thì bóng đá sẽ không còn là bóng đá nữa. Các trọng tài trong môn thể thao này phải di chuyển rất nhiều so với các đồng nghiệp ở các bộ môn khác. Và vì là con người, họ cũng có lúc hoa mắt vì mệt. Họ không thể tránh mắc phải những sai lầm ngoài ý muốn với những gì mà họ đã tuyên thệ, đó là chưa kể những nguyên nhân khác như cảm tính và phán đoán của từng trọng tài đã khác nhau.
Vậy nên ngoài định nghĩa thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải còn có thêm vế thứ hai cho định nghĩa về "Văn hóa giao thông". Đó là: "Phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời. Cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt." Luật pháp là điều kiện cần, nhưng không đủ, nhất là với những trường hợp tự cho là am tường pháp luật nhưng thực tế lại làm sai luật.
Vế thứ hai cho định nghĩa về "Văn hóa giao thông" cũng là điều mà các CĐV muốn được thấy ở V- League năm nay. Họ muốn các cầu thủ "từ tốn, bình tĩnh, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt". Đành rằng không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân, nhưng nếu các cầu thủ "biết không chỉ vì lợi của bản thân mình", mà còn biết giữ hình ảnh thương hiệu cho CLB và các CĐV thân yêu, chắc chắn V-League năm nay sẽ đẹp hơn rất nhiều.
"Văn hóa giao thông" hay "Văn hóa bóng đá" không đến từ những điều xa vời, những chính sách điều hành vĩ mô, mà nó đến từ nỗ lực và dũng khí dám chịu trách nhiệm với hành động của mình, kể từ các cầu thủ, các trọng tài, cho đến các công dân. Và nền giao thông hay bóng đá nước nhà có đi lên hay không, cũng bắt nguồn từ những hành động "có văn hóa" đó.