Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bạc Liêu vừa triển khai chương trình hành động thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (VHGTVBYSN) năm 2017. Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả của các mô hình văn hóa giao thông đường thủy, tăng cường nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội trong lĩnh vực đường thủy.
Cảnh sát đường thủy và Bộ đội Biên phòng kiểm tra phương tiện đánh bắt thủy sản
Cuộc vận động xây dựng phong trào VHGTVBYSN năm 2017 tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình văn hóa giao thông đường thủy đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2011 - 2015, kết hợp với việc tập trung xây dựng mô hình văn hóa giao thông đường thủy nội địa tại các cảng, bến thủy, cụm dân cư, đơn vị hành nghề trên các tuyến đường thủy để góp phần giảm thiểu tai nạn, thiệt hại, đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Đưa ra 7 nội dung thực hiện, chương trình hành động lần này yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh lồng ghép việc thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào VHGTVBYSN với các phong trào khác do cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức vận động. Điển hình như các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Địa bàn an toàn về trật tự xã hội”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; chương trình “Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”…
Ông Ngô Hữu Dũng - Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban thường trực Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành giữa Cảnh sát giao thông, Cảng vụ đường thủy và đăng kiểm để nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp về trật tự ATGT đường thủy. Đặc biệt là những nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn đường thủy bao gồm: cảng, bến không phép; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người lái không bằng cấp; các công trình lấn chiếm…
Tuy nhiên, để cuộc vận động xây dựng phong trào VHGTVBYSN giai đoạn mới đạt hiệu quả cao nhất, Ban chỉ đạo cuộc vận động các địa phương cũng phải thường xuyên kiểm tra, kết thúc các mô hình văn hóa giao thông đường thủy hoạt động không hiệu quả, đồng thời phát huy những mô hình đạt chuẩn, mang lại lợi ích thiết thực, lựa chọn xây dựng những mô hình mới khả thi.
Hoạt động tuyên truyền và đổi mới công tác tuyên truyền cũng là một trong những vấn đề chính được đặt ra. Đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông nhằm phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường thủy trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở, thu hút sự cộng đồng trách nhiệm của cả cơ quan nhà nước và quần chúng nhân dân.
Không tách khỏi chủ đề của Năm ATGT 2017, cuộc vận động xây dựng phong trào VHGTVBYSN cũng sẽ biên soạn các tài liệu tuyên truyền về văn hóa giao thông phù hợp với từng đối tượng, trong đó tâm điểm là nhóm thanh thiếu niên, học sinh sống ở vùng sông nước, thường xuyên đi lại bằng các phương tiện thủy. Song song đó là hoạt động xây dựng các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở tất cả các cấp chính quyền và đào tạo kỹ năng tuyên truyền, bổ túc kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa, nội dung cuộc vận động để tuyên truyền đến cộng đồng trong các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề…