Để nhân rộng mô hình “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, gần gũi với người dân.
Đoàn Thanh niên huyện Vân Đồn phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho người dân
Đại tá Đặng Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT đường thuỷ Công an tỉnh cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản và nhiều tàu, thuyền của các tỉnh trong nước tham gia khai thác trên ngư trường. Vì vậy, công tác đảm bảo ATGT đường thuỷ nội địa luôn được lực lượng CSGT đường thuỷ chú trọng. Chúng tôi không chỉ xây dựng mô hình “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” tại cộng đồng ngư dân trên bờ, mà cả ở các phương tiện dưới sông, biển. Nhờ vậy, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa của người dân đã được nâng lên rõ rệt”.
Một trong những chuyển biến tích cực mà mô hình mang lại, đó là người dân chủ động nhắc nhau chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông, tự trang bị các thiết bị an toàn, như áo phao, phao cứu sinh; đồng thời giúp nhau sửa chữa những phương tiện đã quá cũ nát. 6 tháng đầu năm nay, có 3.000 áo phao được trao tặng cho ngư dân nghèo ở một số địa phương trong tỉnh, góp phần vào việc giảm các vụ đuối nước do TNGT đường thuỷ nội địa.
TX Đông Triều là địa phương có hoạt động giao thông đường thuỷ khá phức tạp, nhiều đoạn sông giáp với các xã của tỉnh Hải Dương, nên công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, đặc biệt là vào mùa mưa bão rất được thị xã quan tâm. Để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho người dân, trước mỗi mùa mưa bão thị xã chủ động phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức tuyên truyền cho người dân hai bên sông về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Ông Nguyễn Văn Bảy (phường Hưng Đạo, TX Đông Triều) cho biết: “Việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa không chỉ đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình, mà còn có cả tài sản, người dân đi đò. Vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau nghiêm túc thực hiện đã lên thuyền là phải mặc áo phao đầy đủ. Bên cạnh đó, nhắc con em trong gia đình phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng phương tiện thường xuyên, đi đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, không được vi phạm”.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” cũng gặp nhiều khó khăn, do bờ biển kéo dài, có 138 cảng, bến đang hoạt động... Hiện mô hình mới chỉ tiếp cận được đến những khu vực cảng, bến được cấp phép hoạt động. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, hiện còn 118 phương tiện giao thông dưới 15CV chưa đăng ký; 104 vị trí bến, bãi có hoạt động bốc xếp hàng hoá vật liệu xây dựng chưa được cấp phép hoạt động. Vì vậy, mô hình “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” cần tiếp tục được nhân rộng để tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa của người dân đã được nâng lên rõ rệt, nhưng chưa bền vững và có chiều sâu. Vì vậy thời gian tới, Ban tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời nhân rộng các mô hình đảm bảo trật tự ATGT. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa để bảo vệ chính mình và tài sản...