Không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển xe. Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Nguy hiểm hơn, thói quen sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông đã gây ra không ít vụ tai nạn cho chính người sử dụng.
Có thể nói, chưa bao giờ việc sử dụng điện thoại di động lại phổ biến như hiện nay. Không chỉ người điều khiển xe gắn máy mà tài xế các xe ô tô, xe tải, xe khách, taxi cũng thường xuyên sử dụng điện thoại trên hành trình của mình, bỏ mặc luật cấm và sự an nguy của hành khách, của người cùng tham gia giao thông trên đường và sự an nguy của chính mình.
Ông Nguyễn Hoàng Khải (ngụ phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Điện thoại di động bây giờ phổ biến đến mức già, trẻ gì cũng có. Nếu sử dụng đúng chỗ, đúng cách thì không có gì đáng nói, đằng này, nhiều người vừa chạy xe lại vừa nhắn tin, hết sức nguy hiểm. Gần 20 năm hành nghề chạy xe ôm, suốt ngày rong ruổi ngoài đường nên tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với người vừa điều khiển xe gắn máy vừa nghe điện thoại. Thậm chí có cả những vụ người lái tự tông xe vào vật chắn, hay lao thẳng vào xe tải đang dừng ở bên đường vì mải nhìn vào màn hình điện thoại”.
Sử dụng điện thoại khi lái xe là hành vi cực kỳ nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn sẽ xảy ra cao gấp 4 lần ở nhóm người thường xuyên sử dụng điện thoại so với người tập trung điều khiển phương tiện. Sử dụng điện thoại di động không chỉ làm lái xe mất tập trung, giảm khả năng phản ứng, xử lý trong việc giảm tốc độ, thắng xe, hay đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn với các xe xung quanh, chấp hành đèn tín hiệu… Các bài kiểm tra độ tập trung của não và khoảng thời gian để não có thể hoàn toàn chú ý trở lại cũng cho thấy lái xe sử dụng điện thoại có phản ứng chậm hơn 30% so với tài xế có uống rượu bia. Chưa kể, nội dung cuộc trao đổi ấy còn làm giảm mức độ tập trung của lái xe đến 10 phút sau đó.
Theo quy định hiện hành, người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng; người điều khiển ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Thế nhưng trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến, kể cả lái xe ô tô. Có 38% đối tượng thừa nhận không từ bỏ được thói quen sử dụng điện thoại trong khi lái xe là kết quả nghiên cứu mà Ford Việt Nam vừa công bố. Đây là hệ quả do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn kém về ý thức chấp hành pháp luật và một phần do mức phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể, thậm chí có nơi, cảnh sát giao thông chưa xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe.
Việc sử dụng điện thoại trên đường không chỉ là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, thậm chí gián tiếp tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Không có cuộc trao đổi nào đáng giá bằng sinh mạng của mình và những người xung quanh - tất cả người lái xe nên ghi nhớ điều này!