Hãy tự cứu mình, cứu người!

Thứ năm, 02/11/2017 15:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều năm cầm bút, tôi đã viết nhiều đề tài báo chí, nhưng quả thật bao giờ viết về đề tài tai nạn giao thông cũng khiến tâm trạng nặng nề, ám ảnh, xót xa…

Hầu hết tai nạn giao thông do ý thức kém của người tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Sau hơn 1 tuần đi cơ sở, những trang sổ đã dày đặc số liệu về số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương, thiệt hại về tài sản, các nguyên nhân khách quan, chủ quan... khiến tôi hoa mắt.  Bỗng dưng tôi không muốn xử lý, phân tích những số liệu đó một cách máy móc và khô cứng; không muốn nói đi nói lại những nguyên nhân khiến hằng ngày, hàng giờ vẫn có hàng chục, hàng trăm... người mãi mãi không thể trở về mái ấm của mình, vĩnh viễn khép lại những khát khao, mơ ước, những dự định còn dang dở; hoặc mãi mãi nằm “bán thân bất toại” bất lực nhận sự thương hại từ người khác. Tôi gấp sổ và quyết định viết ra câu chuyện xảy ra trong chính gia tộc mình bằng xúc cảm và ý niệm khác.

Một ngày hè hơn 10 năm trước, gia đình tôi nghe tin dữ, anh Quản Văn T. bị tai nạn xe máy nghiêm trọng. Anh T. là con bác ruột (anh trai mẹ tôi), là lao động chính trong gia đình có 5 thành viên cư trú ở phường Chè, thị xã Sông Công (nay là thành phố Sông Công). Sau gần 1 tháng chữa trị, bệnh viện trả anh về với gia đình vì “hết cách”. Tất cả người thân trong gia đình tôi đều biết không còn hy vọng, nhưng nhìn anh thoi thóp trên giường với ánh mắt như cầu cứu, như hối hận thì không ai có thể cầm lòng, đành dồn mọi nỗ lực “còn nước còn tát”. Anh sống hơn 1 năm nữa nhờ vào sự trợ giúp của máy thở ô xi, nhờ sự tận tụy chăm sóc chồng đến quên ăn, quên ngủ của người vợ, đồng nghĩa với đó, tài sản trong nhà lần lượt phải bán hết để trang trải tiền thuốc men cho anh dù có cả những sự trợ giúp của người thân. Từ ngày anh bị tai nạn, 2 đứa con học hành chểnh mảng, tính tình thay đổi, thường xuyên bỏ học, gây chuyện đánh nhau với bạn bè... Ngày anh nhắm mắt xuôi tay cũng là ngày gia đình anh khánh kiệt, sức khỏe vợ anh suy sụp. Trong đám tang, nhiều người vẫn bàn luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh: Người cho rằng do đường giao thông chật hẹp khi lưu lượng giao thông ngày càng tăng; người lại đổ lỗi do chiếc xe ô tô đi ngược chiều đã lấn làn nên đâm phải anh; người thì bảo do anh phóng nhanh, vượt ẩu... Nguyện nhân chính xác đã được công an kết luận, nhưng anh tôi chết rồi thì việc đúng hay sai đâu có còn quan trọng nữa. Hiện giờ, vợ con anh tôi vẫn đang phải tha hương nơi đất khách quê người làm thuê, làm mướn mưu sinh trong khổ cực dày vò.

Nỗi đau theo năm tháng đang dần nguôi ngoai thì gia đình tôi lại tiếp nhận tin dữ, cháu Quản Văn Ch. (con chị họ tôi) đã mất do bị cần máy xúc quệt vào đầu trên đường đi học về. Chẳng bút mực nào có thể tả hết được nỗi đau thương tột cùng của những người thân trong dòng tộc lúc đó. Cánh cổng đại học khép lại, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi của Ch. mãi mãi dang dở... Người lái chiếc xe máy xúc oan nghiệt đó có nói ngàn vạn lời xin lỗi, có đền bù bằng trăm thứ vật chất, bạc tiền cũng không thể giúp em họ tôi sống lại; họ có nhận hết phần lỗi về mình cũng không làm nỗi đau trong lòng những người thân của tôi vơi nhẹ.

Em trai tôi - niềm tự hào và hy vọng của cha mẹ thì từ mặt đến bả vai, cánh tay, dóng chân... gần như khắp trên thân thể chỗ nào cũng có vết sẹo - dấu tích của nhiều vụ va quệt, tai nạn khi lưu thông trên đường. Nay, em tôi đã lập gia đình, sinh 2 con, nhưng mỗi lần em đi đâu, bố mẹ tôi vẫn lơm lớp lo lắng, luôn nhắc nhở chuyện phải đội mũ bảo hiểm, không được uống rượu, bia, không được phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông...

Từ những câu chuyện trên, tôi nhận thấy một điều, để hạn chế tai nạn giao thông, điểm mấu chốt, quan trọng nhất nằm ở ý thức, văn hóa giao thông của mỗi một con người. Nếu như ngày đó, anh con bác tôi lường trước được sự nguy hiểm, lường trước được cái chết sẽ tới với mình, chắc chắn anh ấy sẽ không uống rượu, sẽ đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, đúng làn đường...; nếu như bác lái máy xúc ý thức được rằng, giờ tan học sẽ có nhiều học sinh lưu thông trên đường, mình phải lưu tâm, cẩn trọng hơn khi làm việc; nếu em trai tôi hiểu được nỗi lo lắng của cha mẹ, biết rút ra những bài học xương máu từ chính những người thân trong gia đình và những vết sẹo hằn trên da thịt thì chắc chắn không thường xuyên trở về nhà khi nồng nặc hơi men, không để bố mẹ tôi phải nói mãi cái điệp khúc “nói rồi, khổ lắm, nói mãi”...

Trong cuộc đời luôn tồn tại những từ giá như, nếu như, có lẽ... nhưng nó lại mơ hồ, ảo vọng về sự tốt đẹp không có thật, nó chỉ là giả thiết khi những sai lầm đã xảy ra, để bao biện, đổ lỗi cho người khác...; chỉ có nỗi đau, sự mất mát, tang thương là có thật. Vậy tại sao mỗi chúng ta lại không thấm thía sâu sắc điều này? Khi bản thân còn không biết trân trọng, yêu quý chính bản thân mình thì làm sao có thể yêu thương đồng loại? Ai có thể khiến ta thay đổi được hành vi nhanh nhất, tích cực nhất để bảo vệ tính mạng của mình ngoài chính bản thân mỗi người?

Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, những chiến sĩ cảnh sát giao thông đang phải làm công việc thực ra không muốn làm là “buộc”, “ép” người dân đội mũ bảo hiểm; không được uống rượu, bia; không được chạy quá tốc độ; không được đi sai làn đường, vượt đèn đỏ... khi tham gia giao thông. Vậy hình thức này có thật sự hiệu quả khi những chiến sĩ cảnh sát giao thông phải “canh gác” sự sống - chết thay cho người khác, trong khi bản thân những người đó lại coi thường tính mạng của mình? Từ sự thiếu ý thức, trách nhiệm đối với bản thân họ không chỉ gây họa cho mình mà cả những người vô tội khác; khi bị công an nhắc nhở, ngăn chặn, xử phạt... nhiều người còn tỏ thái độ khó chịu, thiếu văn hóa, lăng mạ các chiến sĩ...

Vậy làm thế nào để nâng cao ý thức, văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông; hạn chế mức thấp nhất tai nạn giao thông? Câu trả lời trước tiên phải dành cho bản thân mỗi một con người trong chúng ta; sau đó mới đến các nhà chuyên môn, các cấp, ngành chức năng trong việc nâng cấp, đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, vận động, tuyên truyền; đưa ra các chế tài xử phạt đủ sức răn đe...

Xin được kết thúc bài viết này bằng một số câu trả lời phỏng vấn để nhận diện rõ hơn vấn đề này. Em Nguyễn Đức Huy, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên nói: “Khi tham gia giao thông, em biết cần phải đội mũ bảo hiểm, nhưng nhiều khi đi đến gặp bạn gái, sợ “xẹp” mái tóc bồng bềnh nên không đội mũ. Nếu không may gặp công an thì nộp mạt hơn 100 nghìn là cùng. Anh Trần Xuân Thủy, tổ 20, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Vì đặc thù công việc nên tôi thường phải đi tiếp khách, nếu mình không uống rượu thì khách lại cho rằng không nhiệt tình, nhiều khi còn hỏng việc, nên dù biết là nguy hiểm, biết là sẽ bị phạt 17-18 triệu nếu bị công an “thổi”, nhưng nhiều khi đành tặc lưỡi, “ thoát” được lần nào hay lần đó, cùng lắm là “đi tắt đón đầu” để tránh công an.” Chị Nguyễn Thị Hằng, ở phường  Ba Hàng (T.X Phổ Yên) thành thật: “Tôi hiểu hết những hiểm nguy tiềm ẩn khi tham gia giao thông; là người vợ, người mẹ, tôi luôn ý thức mình phải nêu gương để các con học tập, nhưng nhiều khi vì công việc, vì một cuộc hẹn quan trọng, đôi khi vẫn phải chạy xe quá tốc độ cho kịp giờ; đôi ba lần vượt cả đèn đỏ... Có lần thoát chết trong gang tấc, an toàn rồi nghĩ lại vẫn còn run mất mấy ngày.”

“Nhanh một phút chậm cả đời”- Mấu chốt của vấn đề nằm ở ý thức con người. Bản thân mỗi người phải tự nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông; tích cực làm gương, dạy bảo cho con, cháu chúng ta nghiêm túc chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông ngay từ khi bọn trẻ học những chữ cái đầu tiên… Tôi tin đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

hoavt

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)