Những năm gần đây, ý thức chấp hành an toàn giao thông (ATGT) của học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa giao thông trong học đường, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông ở đối tượng này vẫn cần sự chung tay từ nhiều phía.
Tính đến cuối năm 2017, ngành Giáo dục tỉnh có hơn 273.300 HS. Đây là lực lượng tham gia giao thông đông đảo. Chính vì vậy, việc giáo dục cho HS nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT là hết sức cần thiết. Để làm tốt công tác này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tổ chức giảng dạy, lồng ghép nội dung bảo đảm trật tự ATGT trong các giờ học chính khóa thông qua các môn học theo quy định, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của HS. Cùng với đó, các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa về ATGT tại trường học. Nhiều trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh còn triển khai thực hiện chương trình phát thanh thanh niên, phát thanh măng non, bản tin trường học… về các vấn đề liên quan đến ATGT.
Cuộc thi “Rung chuông vàng” về an toàn giao thông do Trường THPT Lý Tự Trọng tổ chức.
Theo ông Nguyễn Minh Á - Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, việc giáo dục nâng cao ý thức cho HS về ATGT nếu chỉ là lý thuyết thì chưa đủ. Vì vậy, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gắn với thực tiễn nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của HS. Tiêu biểu là cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về ATGT. Bên cạnh đó, sở phối hợp với Ban ATGT tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức cho HS các cấp học tham gia cuộc thi “Giao thông học đường” và “ATGT cho nụ cười ngày mai”…
Năm 2017, Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tuyên truyền 43 buổi cho gần 6.800 lượt HS, đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh về công tác ATGT. HS được tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: lưu động, cấp phát tờ rơi, phản ánh trên website, hệ thống loa đài, bảng tin của các xã, phường, thị trấn. |
Các trường cũng đã tổ chức cho phụ huynh, HS ký cam kết khi điều khiển xe gắn máy và các phương tiện, xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách đánh võng, không chở quá số người theo quy định và không dàn hàng hai, hàng ba khi tham gia giao thông. Sau khi ký cam kết, các trường giám sát chặt chẽ từ giáo viên chủ nhiệm đến HS và hàng tuần đều nhắc nhở, nhất là những trường hợp vi phạm. Các đơn vị, trường học đều xây dựng quy định cụ thể về việc HS phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy tắc khi tham gia giao thông; có hình thức xử phạt phù hợp với những trường hợp vi phạm để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và thông báo cho phụ huynh biết để cùng phối hợp giáo dục. Đồng thời, đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của HS.
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đánh giá, thời gian qua, ban ATGT các địa phương đã phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực góp phần hình thành ý thức văn hóa khi tham gia giao thông của HS. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng HS vượt đèn đỏ, đi hàng ba, hàng bốn gây cản trở, ùn tắc giao thông tại các cổng trường… Ngoài ra, một số HS THPT chưa đến tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy đi học và gửi ở gần trường. “Năm 2018 được xác định là năm ATGT cho trẻ em, vì vậy các cơ sở giáo dục, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức cho HS; tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với hành vi vi phạm trật tự ATGT. Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017”, ông Định nói.