Để đội mũ bảo hiểm trở thành thói quen không thể thiếu của người dân

Thứ tư, 18/04/2018 11:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đại đa số người dân khi được hỏi đều trả lời “Mỗi khi ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm sẽ cảm thấy ái ngại và thấy như thiếu thiếu thứ gì đó”. Đây được xem là tín hiệu tích cực sau hơn 10 năm Nghị quyết số 32 của Chính phủ về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nghị quyết số 32 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó quy định người đi xe mô tô, xe máy khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm chính thức có hiệu lực năm 2008. Kể từ đó đến nay, các địa phương trên toàn quốc nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Đến nay, tỷ lệ người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%, tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy hiện đã trở thành thói quen, sự tự giác của hầu hết người dân, góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn giao thông từ 21,2% năm 2008 xuống còn 1% năm 2017.


Vẫn còn nhiều học sinh khi ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện "quên" không đội mũ bảo hiểm

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm, trên thực tế, ở Vĩnh Phúc vẫn còn một số người khi tham gia giao thông, nhất là một bộ phận thanh thiếu niên và người dân ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực hiện nghiêm quy định. Họ chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng học sinh phổ thông đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; các bậc cha mẹ không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 10 năm qua, lực lượng chức năng các địa phương trong tỉnh đã lập biên bản trên 66.000 trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm; ra quyết định xử phạt hơn 61.000 trường hợp với số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 8 tỷ đồng.

Xác định đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Với chủ đề Năm an toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em”, ngay từ đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, nhắc nhở các bậc phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi cho các em ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện; tổ chức cho 100% học sinh và các thầy, cô giáo trong các nhà trường ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông.

Lực lượng Công an các cấp đang phối hợp với các ban, ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm an toàn, đúng quy cách khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy với người tham gia giao thông; kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm sản xuất, phân phối, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, không đạt chất lượng. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn. 

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)