Ngăn “văn hóa đường làng” lên cao tốc

Thứ tư, 20/02/2019 10:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một người khi tham gia giao thông trong điều kiện bình thường mà chấp hành tốt, khi lên cao tốc sẽ lái xe an toàn.

Anh 1

Nhóm thanh niên ăn nhậu trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tối 15/2) (Ảnh cắt từ clip)

Những hành vi vi phạm trên đường cao tốc thời gian qua xảy ra khá thường xuyên, do nhiều đối tượng khác nhau và ở nhiều mức độ khác nhau. Về mặt đối tượng có thể phân chia thành 3 nhóm. Thứ nhất là những người biết rõ quy định nhưng cố tình vi phạm, coi thường pháp luật (ví dụ như lái xe kinh doanh vận tải đi ngược chiều, bật đèn khẩn cấp chạy vào làn dừng đỗ khẩn cấp để đón, trả khách trên cao tốc). Những trường hợp này cần tăng cường năng lực giám sát để phát hiện sớm và chấm dứt vi phạm, xử phạt nghiêm những vụ việc điển hình và truyền thông sâu rộng để răn đe, giáo dục.

Thứ hai là nhóm người vi phạm nhưng bản chất là không cố tình, có một số hành vi vi phạm như lùi xe, đi chậm trên làn vượt... Tất nhiên, cá nhân trưởng thành sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu có thể thấy nếu chúng ta có hướng dẫn cảnh báo sớm, rõ ràng và dễ nhận biết, có nhắc lại thì những lỗi như vậy sẽ giảm đi rất nhiều. Bởi vậy, đối với nhóm này, bên cạnh việc tuyên truyền và xử phạt, truyền thông, cũng phải rà soát lại các yếu tố gián tiếp về kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông để xác định rõ nguyên nhân gốc dẫn tới tai nạn và có giải pháp xử lý hiệu quả.

Thứ ba là những người thiếu kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc nên dẫn tới vi phạm. Tới tận năm 2010 chúng ta mới có km đường cao tốc đầu tiên, trong khi Luật GTĐB 2008 cũng chỉ có 1 điều khoản về đường cao tốc nên có một tỷ lệ nhất định người lái xe lấy bằng trước năm 2008, nên có thể thiếu kiến thức và kỹ năng khi điều khiển phương tiện trên cao tốc. Đối với nhóm này chúng ta cần có tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, đồng thời kiên trì tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng, quy tắc ATGT trên đường cao tốc. Đồng thời là việc tăng cường nội dung dạy và thi liên quan tới kỹ năng lái xe trên cao tốc trong đào tạo sát hạch lái xe nói chung.

Những người thường xuyên vi phạm những lỗi nhỏ như dừng đỗ sai quy định, thay lốp giữa đường, uống rượu bia khi lái xe, không thắt dây an toàn... khi tham gia giao thông ở đô thị, khu vực nông thôn nghe qua tưởng đơn giản, nhưng khi họ đem tâm thế, nhận thức, thói quen và hành vi đó lên đường cao tốc thì rất nguy hiểm. Đây là điều đang xảy ra ở Việt Nam, bởi vậy với tất cả các vi phạm về ATGT tôi cho rằng, cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ để có thể tuần tra, kiểm soát và xử phạt nguội hiệu quả. Song song với đó cần có hệ thống dữ liệu để giám sát được các hành vi lặp lại, đây là giải pháp hiệu quả về giáo dục để xây dựng ý thức văn hóa giao thông tốt.

Một người khi tham gia giao thông trong điều kiện bình thường mà chấp hành tốt, khi lên cao tốc sẽ lái xe an toàn. Ngược lại nếu đi ở đường xã, đường huyện, đường đô thị mà có thói quen tùy tiện, thường vi phạm, khi lên cao tốc khó mà lái xe đúng quy định và đây chính là nguồn cơn dẫn tới nhiều TNGT.

Về cơ bản chúng ta đã có quy định pháp luật về đường cao tốc nhưng để được như kỳ vọng thì còn rất nhiều điểm phải sửa đổi, bổ sung. Ví dụ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chúng ta mới chỉ có công cụ xử phạt bằng tiền. Điều này là chưa đủ trong khi nhiều nước tiên tiến đã dùng nhiều công cụ khác nhau như công cụ về giáo dục (lao động công ích, trừ điểm bằng lái, học lại, thi lại...), kinh tế (lưu trữ vi phạm và tăng cao mức bảo hiểm với những lái xe và doanh nghiệp vi phạm, đặc biệt gây TNGT dẫn tới chết người) và hình sự để xử lý vi phạm nghiêm trọng kể cả khi chưa xảy ra hậu quả. Những lái xe vi phạm lỗi nghiêm trọng thông thường phải học lại, sát hạch lại GPLX với nội dung bài thi khắt khe hơn mức bình thường.

Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chưa cho phép xử phạt lũy tiến đối với tái phạm. Nhiều quốc gia phát triển có mức phạt lần đầu thậm chí thấp, nhưng nếu như lái xe đó tái phạm trong khoảng thời gian nhất định, đặc biệt là cùng một lỗi thì mức phạt tăng lên gấp nhiều lần. Luật Thống kê hiện nay mới chỉ yêu cầu thống kê 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trong khi muốn quản lý tái phạm và xử phạt lũy tiến về trật tự ATGT thì phải thống kê cả các hành vi vi phạm trật tự ATGT và chia sẻ giữa nhiều cơ quan có liên quan. Trong lần sửa đổi Luật GTĐB sắp tới nên có 1 chương riêng quy định về đường cao tốc, trong đó đề cập tất cả những vấn đề liên quan vì tính chất giao thông trên cao tốc khác biệt rất lớn so với loại đường khác. Các quy tắc tham gia giao thông trên cao tốc và ứng phó xử lý sự cố trên cao tốc cũng cần được bổ sung.


TS. Trần Hữu Minh
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Trần Hữu Minh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)