Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các địa phương có hoạt động sông nước tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa.
Tàu thuyền hoạt động trên sông Mã qua huyện Hoằng Hóa
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”. Đồng thời, hàng năm, thực hiện đánh giá, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt tiêu chuẩn. Tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tại các cảng, bến, cụm dân cư, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến đường thủy nội địa, góp phần phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền những quy định, tác dụng của cuộc vận động xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, nhằm nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn hóa, văn minh, an toàn. Phát huy vai trò, hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa.
Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử có văn hóa của lực lượng chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với nhân dân. Tổ chức phát động phong trào văn hóa giao thông đường thủy và lập thành tích thi đua trong các lực lượng thực thi công vụ trên đường thủy nội địa. Kết hợp phát động phong trào thực hiện cuộc vận động xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tại tất cả các cảng, bến thủy nội địa; các cụm dân cư sinh sống trên và ven đường thủy; các cá nhân, tổ chức hành nghề trên đường thủy, như khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Khảo sát, lựa chọn các đối tượng để tiếp tục xây dựng thành các mô hình điểm về văn hóa giao thông đường thủy nội địa.
Xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy nội địa. Tiếp tục khuyến khích củng cố, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình đạt chuẩn, hiệu quả cao; phấn đấu hàng năm số lượng mô hình đạt chuẩn tăng từ 10% trở lên. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cấp chính quyền đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền về cuộc vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy nội địa thông qua hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh xã, phường, cơ quan); kết hợp tuyên truyền bằng trực quan như pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm ảnh, sân khấu hóa... để thu hút sự quan tâm hưởng ứng thực hiện cuộc vận động của đông đảo quần chúng nhân dân tại địa phương.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở tất cả các cấp, bảo đảm có kỹ năng để thực hiệu hiệu quả công tác tuyên truyền nội dung cuộc vận động; chú trọng lựa chọn tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông đường thủy. Trong đó, tập trung vào các đối tượng thanh, thiếu niên học sinh sống ở vùng sông nước, ao hồ... và thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy.
Tăng cường công tác phối hợp của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý, giải quyết những vấn đề nổi cộm, phức tạp về trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa, như: Cảng, bến thủy nội địa không phép, không bảo đảm điều kiện an toàn; phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trái phép; xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa...
Lồng ghép việc thực hiện cuộc vận động xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” với các phong trào khác do cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Địa bàn an toàn về trật tự, an toàn xã hội”; xã, phường, thị trấn, nhà trường “An toàn về an ninh trật tự” và các chương trình xây dựng nông thôn mới; hành động “Phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em”..., nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy nội địa. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng cả về vật chất và tinh thần, nhằm động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy, xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt chất lượng cao.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng năm, Công an tỉnh, Sở GTVT, đều xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cuộc vận động xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, với các nội dung trọng tâm là: Tuyên truyền cuộc vận động kết hợp với tuần tra, kiểm soát; phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Đồng thời, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, ATGT đường thủy nội địa; phát động phong trào văn hóa giao thông và thực hiện phong trào thi đua trong các lực lượng thực thi công vụ trên đường thủy nội địa, xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ trách nhiệm, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với dân.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương có hoạt động đường thủy nội địa hướng dẫn thực hiện cuộc vận động xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký, đăng kiểm; rà soát, thống kê và hướng dẫn an toàn cho các phương tiện thủy nội địa. Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động đường thủy nội địa, xây dựng kế hoạch, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động tại địa phương. Căn cứ quy định tiêu chí xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” và hướng dẫn trình tự, thẩm quyền công nhận đạt mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”; tổ chức kiểm tra, rà soát các mô hình, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận mô hình hiệu quả, đạt tiêu chuẩn và tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình trên địa bàn.