Kể từ ngày 15/12/2007, quy định người đi mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm (MBH) chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, sau gần 12 năm thực hiện, đến nay một bộ phận người tham gia giao thông vẫn cố tình phớt lờ quy định này, sử dụng mũ không đạt chất lượng, hoặc chỉ mang tính đối phó do hiểu sai mục đích của việc đội MBH là để bảo vệ, hạn chế thương tích vùng đầu nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).
Đội MBH giảm thương vong cao
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, khi tổng kết 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người dân chấp hành đạt hơn 90%. Việc đội MBH đã kéo giảm số người chết vì TNGT xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm như hiện nay, đồng thời hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não do TNGT gây ra đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Nghiên cứu độc lập toàn diện của Quỹ AIP (phòng ngừa các trường hợp tử vong và chấn thương trong các TNGT đường bộ) cho thấy, đã có 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong được ngăn chặn nhờ sự gia tăng của việc đội MBH. Kết quả này có được từ công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định đội MBH đối với người tham gia giao thông, cũng như sự nỗ lực trong công tác cưỡng chế, xử lý hành vi không đội MBH theo quy định của pháp luật. Trong 10 năm qua, Bộ Công an đã xử phạt gần 7 triệu trường hợp vi phạm quy định không đội MBH khi tham gia giao thông.
Tại Bạc Liêu, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, giai đoạn thực hiện quy định bắt buộc đội MBH với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với trên 90% người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định này. So với trước đây, ý thức người tham gia giao thông đã được nâng lên. Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng người dân đội MBH với tâm lý đối phó, chứ chưa thật sự chấp nhận rằng việc đội MBH đạt chuẩn là để giữ an toàn tính mạng cho bản thân khi tham gia giao thông.
Người tham gia giao thông phớt lờ quy định, không đội MBH
(ảnh chụp trên đường Cao Văn Lầu, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu)
Trên thực tế, phần đông người dân chấp hành nghiêm quy định đội MBH là ở đô thị, riêng đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các tuyến đường nhỏ ở xã, phường, thị trấn, một số người tham gia giao thông di chuyển trong đoạn đường gần, việc chấp hành quy định đội MBH vẫn chưa được triệt để.
Thói quen khác người
Hình ảnh người tham gia giao thông đội MBH đã quá quen thuộc, thế nhưng, lẫn trong đám đông ấy, hiện vẫn còn một bộ phận người ý thức kém, xem việc đội MBH là một sự ràng buộc. Với họ, đi đường gần, đi những khu vực ít thấy cảnh sát giao thông kiểm soát là không cần phải đội MBH. Theo quan sát của chúng tôi, trên tuyến đường đê Trường Sơn nối liền xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) với phường Nhà Mát, tuyến lộ Chòm Xoài hay tuyến đường Hiệp Thành - Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu), dọc theo tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn TX. Giá Rai, hay khu vực thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi)… hình ảnh người tham gia giao thông không đội MBH diễn ra rất thường xuyên. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ huynh trang bị MBH cho trẻ em cũng còn thấp.
Tuy số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Phần nhiều trong số các vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy thì cùng với nạn nhân bị chấn thương sọ não và tử vong, nhiều người khác phải nằm liệt giường, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đã qua, trên địa bàn tỉnh cũng có trường hợp trẻ em tử vong trên đường đến trường do không đội MBH khi chẳng may bị TNGT.
Trong hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh hiện nay, việc không đội MBH là lỗi vi phạm được chú trọng xử lý, kể cả khi tuần tra kiểm soát về đêm. Tuy nhiên, việc tuần tra xử lý cần tổ chức thường xuyên hơn, mở rộng phạm vi kể cả ở những vùng ven để qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thêm vào đó, ngành chức năng cần tăng cường quản lý việc việc kinh doanh MBH kém chất lượng, tránh “thả nổi” như hiện nay…