An Giang: Văn hóa giao thông, ý thức của mọi người

Thứ hai, 11/11/2019 08:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
An toàn giao thông (ATGT) luôn là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ ai khi tham gia giao thông. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT, có những ứng xử, hành động thiếu văn hóa, gây ảnh hưởng và nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, 9 tháng của năm 2019, toàn quốc xảy ra 12.675 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 5.659 người chết, 9.619 người bị thương. So cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 567 vụ, số người chết giảm 353 người, số người bị thương giảm 700 người. Mặc dù tình hình trật tự giao thông có chuyển biến tích cực, TNGT liên tục được kéo giảm qua các năm, nhưng mỗi năm vẫn còn hơn 8.000 người, mỗi ngày có 22 người chết do TNGT, hơn 40 người thương tật vĩnh viễn suốt đời.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT như: cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện giao thông không bảo đảm điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo)… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính gây TNGT xuất phát từ sự thiếu ý thức, cố tình vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vượt sai đường, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia khi lái xe, vừa điều khiển xe, vừa nghe điện thoại, bấm còi inh ỏi, không có tín hiệu xin đường khi chuyển hướng… của một bộ phận người tham gia giao thông đang diễn ra hàng ngày, không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Cần ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Khi tham gia giao thông trên các tuyến đường hẳn ai cũng ít nhất 1 lần bắt gặp trường hợp một số người tham gia giao thông rẽ phải, rẽ trái không bật đèn tín hiệu xin đường hoặc không chú ý quan sát các phương tiện đang lưu thông trước và sau. Có nhiều trường hợp người tham gia giao thông bật đèn xin “rẽ trái” nhưng “rẽ phải”, hoặc vừa bật đèn tín hiệu xin đường đã băng qua làm cho người tham gia giao thông cùng chiều phía sau rất khó xử lý, dễ xảy ra va quẹt. Ông Nguyễn Văn Quy (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Có lần tôi đang chạy xe cùng chiều với 1 người phụ nữ đang chở con nhỏ. Vừa gần đến cuối dãy phân cách, người phụ nữ này đột ngột bấm đèn tín hiệu rồi rẽ trái ngay lập tức trước đầu xe ô tô như đường trống, thật sự quá nguy hiểm”.

Ai cũng biết tác dụng của còi xe rất hữu ích trong trường hợp báo hiệu cho các phương tiện khác muốn được nhường đường khẩn cấp hoặc cảnh báo nguy hiểm. Tuy vậy, rất dễ thấy ở các thành phố lớn có lưu lượng các phương tiện giao thông dày đặc, nhưng vẫn có một số người tham gia giao thông liên tục bấm còi để xe phía trước đi nhanh, dù biết rõ rằng đường đang ùn tắc chẳng “nhúc nhích” nổi hoặc khi đang dừng đèn đỏ… Mặt khác, có một số thanh, thiếu niên cố tình sử dụng còi xe vô tội vạ, không có chủ đích làm ô nhiễm tiếng ồn và gây khó chịu cho người xung quanh. Chị Nguyễn Thị Bé (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) than phiền: “Nhà tôi ở ngay đường quốc lộ, thỉnh thoảng 11, 12 giờ đêm lại có vài chiếc xe rồ ga, bấm còi inh ỏi làm giật mình thức giấc. Tôi lớn tuổi, mỗi khi thức giấc thì rất khó ngủ lại, có khi phải thức suốt đêm”.

Quá trình tham gia giao thông tại các đô thị lớn vốn đã gặp nhiều khó khăn do quá tải về phương tiện và cơ sở hạ tầng nên việc xảy ra ùn tắc, va chạm giao thông là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, một số người tham gia giao thông có thái độ mất bình tĩnh, không nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi mà cứ bấm còi liên tục, lạng lách tìm mọi cách vượt qua bằng được điểm ùn tắc, bất chấp luật lệ, thậm chí coi thường tính mạng của mình và người khác. Chị Lê Tường Vi (xã Núi Tô, Tri Tôn) chia sẻ: “Mấy hôm trước chạy xe qua ngã 4 đèn bốn ngọn (TP. Long Xuyên) lúc đang kẹt xe vào giờ cao điểm buổi chiều, tôi và mọi người đều giật mình khi nghe câu “chửi thề” của người đàn ông trung niên đang bực tức vì phải chờ người khác nhường nhịn nhau trong lúc ùn tắc giao thông”.

Mỗi người tham gia giao thông nên là những hạt nhân để lan tỏa những giá trị văn hóa giao thông an toàn trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Đồng lòng, quyết tâm thực hiện và vận động những người xung quanh xây dựng văn hóa giao thông, đã uống rượu, bia thì không lái xe, luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô - xe máy, không chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông… Quyết tâm đẩy lùi TNGT, đảm bảo ATGT, giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc cho chính bản thân mình, gia đình, người thân, bạn bè và cộng đồng xã hội.

kieuanh

Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)