Tai nạn giao thông (TNGT) đang trở thành vấn nạn, nan giải, có thể xem là thảm họa ở nhiều quốc gia. Không chỉ gây ra những cái chết thương tâm, TNGT còn để lại những hệ lụy khôn lường, việc kiềm chế và kéo giảm TNGT không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, đó phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Cán bộ Ban ATGT tỉnh hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách cho học sinh Trường THCS Từ Sơn (thị xã Từ Sơn).
Từ lâu, xây dựng văn hóa giao thông luôn là mục tiêu quan trọng mà Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai thực hiện và được tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Bởi theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 80% nguyên nhân gây TNGT bắt nguồn từ ý thức của người điều khiển phương tiện. Vì vậy tuyên truyền, giáo dục vẫn là vấn đề hết sức quan trọng, bởi kết cấu hạ tầng dù có tốt đến đâu nhưng ý thức kém thì TNGT vẫn cứ xảy ra.
Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) khẳng định: Cùng với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạn chế những điểm bất cập trong tổ chức, quản lý giao thông thì để kéo giảm TNGT đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và người dân trong thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATGT. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi tuyên truyền không chỉ giúp người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo đảm ATGT mà còn hình thành văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân.
Trên thực tế, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tỉnh thời gian qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội quan tâm chỉ đạo nên tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực. Liên tục từ năm 2012- 2018, TNGT đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Kết quả trên thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, số người chết vì TNGT vẫn còn ở mức cao, tình trạng vi phạm về trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra những vụ TNGT rất nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội.
Để từng bước kéo giảm TNGT, thời gian qua Ban ATGT tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt, ráo riết nhiều giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân là việc làm hết sức cần thiết, bởi như khuyến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia: “Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.
Nhiều năm qua những mô hình giáo dục về bảo đảm ATGT trong nhà trường như “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn”, “Bé với ATGT”, “Doraemon với ATGT”… đều được triển khai, nhân rộng hiệu quả trong toàn tỉnh. Những mô hình này không chỉ giúp các em nâng cao nhận thức pháp luật về các vấn đề bảo đảm trật tự ATGT, mà còn đặt mục tiêu lấy học sinh làm đối tượng tuyên truyền kiến thức ATGT để tác động trở lại với bạn bè, gia đình, góp phần vun đắp, xây dựng và hình thành văn hóa giao thông an toàn cho xã hội hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, treo các panô hình ảnh về văn hóa giao thông, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cũng như phổ biến pháp luật về trật tự ATGT… ở nhiều cơ quan đơn vị, đoàn thể, địa phương cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình như phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” có sự phát triển sâu rộng trong các cộng đồng dân cư và trở thành nhân tố chủ yếu góp phần bảo đảm ATGT từ cơ sở...
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho hay: “Để hình thành văn hoá giao thông, các cơ quan chức năng cần có chiến dịch truyền thông sâu và dài hơi về ATGT, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng trong xã hội. Bên cạnh việc giáo dục pháp luật về giao thông, cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn để giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ TNGT. Tổ chức các lớp học miễn phí về ATGT, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động về ATGT đến từng cơ sở. Cần có hệ thống hỗ trợ về ATGT trên các tuyến đường trọng điểm như tổ chức mạng lưới tiếp nhận tin báo TNGT, dịch vụ cứu hộ, cứu nạn giao thông có khả năng đáp ứng yêu cầu nhanh chóng và hiệu quả”. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, thì văn hoá giao thông còn thể hiện ở sự nhường nhịn lẫn nhau khi điều khiển phương tiện trên đường, ứng xử bình tĩnh khi xảy ra va chạm giao thông; bênh vực, bảo vệ những trường hợp yếu thế hơn như: Giúp đỡ trẻ em, người già, người khuyết tật, cứu giúp vô điều kiện người bị nạn, người gặp rủi ro, TNGT... Người có văn hoá giao thông còn phải biết tỏ thái độ bất bình, lên án đối với những hành vi giao thông thiếu văn hoá, tố giác và hỗ trợ lực lượng chức năng xử lý các hình thức tội phạm giao thông như: Gây tai nạn rồi bỏ trốn, cố ý làm sai lệch hiện trường vụ tai nạn, thực hiện hành vi côn đồ khi va chạm giao thông…”.
Để thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà” được lan tỏa tới mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội thì trước hết mỗi người chúng ta đều phải đồng lòng, quyết tâm thực hiện và vận động những người xung quanh cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông. Trước hết từ những việc làm hàng ngày như: Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô - xe máy; không chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; đã uống rượu, bia thì không lái xe… để góp phần giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.