Với đặc thù là huyện vùng cao, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn (khoảng 70% số dân), nhiều người có thói quen sử dụng rượu, bia và việc nắm bắt thông tin pháp luật còn hạn chế, công tác tuyên truyền, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông tại huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, huyện có địa bàn rộng trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông rất mỏng…
Cảnh sát giao thông huyện Võ Nhai kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe.
Thực tế dễ nhận thấy tại huyện Võ Nhai là số người dân thường xuyên sử dụng và sử dụng nhiều rượu, bia lớn, có người còn coi đó là “nét văn hóa”. Điều đáng lo ngại là không ít người sau khi uống rượu, bia lại trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho chính mình và người khác.
Theo Thượng tá Ma Văn Sáu, Phó Trưởng Công an huyện Võ Nhai, nhìn chung việc chấp hành pháp luật về giao thông của nhiều người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện còn chưa tốt, trong đó tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, công tác tuyên truyền được Công an huyện Võ Nhai chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiến hành thường xuyên, kiên trì bằng nhiều hình thức. Riêng năm 2019, Công an huyện đã tổ chức, phối hợp tổ chức 26 buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, các quy định xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, tới tận các xóm, bản và trường học. Năm nay, trong kế hoạch tuyên truyền, Công an huyện cũng chú trọng tuyên truyền về việc sử dụng rượu, bia và đảm bảo an toàn giao thông.
Cùng với tuyên truyền, các lực lượng của Công an huyện Võ Nhai, nòng cốt là Đội Cảnh sát giao thông - trật tự đã và đang tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhất là từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định số 100/NĐ-CP) có hiệu lực. Trung tá Nguyễn Văn Đãi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Võ Nhai cho biết: Từ ngày đầu tiên Nghị định số 100/NĐ-CP có hiệu lực (1/1/2020), Công an huyện đã ra quân tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm, trọng tâm là vi phạm về nồng độ cồn. Trong tháng 1, chúng tôi kiểm tra nồng độ cồn 115 người điều khiển phương tiện giao thông, phát hiện 23 trường hợp vi phạm (trong đó có 1 người điều khiển ô tô, 22 người điều khiển mô tô). Những trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý, phạt tiền (tổng số tiền phạt là 112,5 triệu đồng) và tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trong đó có 9 trường hợp bị xử phạt mức cao nhất. Riêng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý có 7 người lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt.
Cũng theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Võ Nhai, khi Nghị định số 100/NĐ-CP có hiệu lực và từ việc tăng cường tuần tra, xử lý của lực lượng công an, tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị phát hiện, xử lý đã giảm hơn trước rất nhiều. Trước đó, tỷ lệ người vi phạm khi bị kiểm tra có khi chiếm tới 50%, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra bởi nguyên nhân chính là người điểu khiển phương tiện đã sử dụng nhiều rượu, bia.
Tuy vậy, số trường hợp được kiểm tra và bị xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên địa bàn huyện Võ Nhai từ khi Nghị định số 100/NĐ-CP có hiệu lực còn ít. Lý giải điều này, Thượng tá Ma Văn Sau cho biết: Một phần do người tham gia giao thông có ý thức chấp hành tốt hơn nhưng nguyên nhân chính là vì huyện có địa bàn rộng trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông rất mỏng. Do đó, việc tổ chức các ca tuần tra, nhất là tuần tra khép kín địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm khắc phục điều này, Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Võ Nhai) đã thường xuyên tham mưu, xây dựng kế hoạch huy động lực lượng cảnh sát khác và công an chính quy cấp xã tham gia tuần tra, xử phạt vi phạm giao thông; đồng thời, tích cực phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên Quốc lộ 1B qua địa bàn. Cũng nhằm khắc phục khó khăn do thiếu lực lượng, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thường xuyên tổ chức tuần tra lưu động…
Việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông nói chung, quy định về sử dụng rượu, bia khi lái xe nói riêng cho người dân khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhất là tại địa bàn vùng cao như Võ Nhai. Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là rất cần thiết nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Bởi ý thức chấp hành tốt của người dân là yếu tố tiên quyết để đảm bảo an toàn giao thông.