Để chống chọi với thời tiết nắng nóng, khi ra đường, người dân áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động của ánh nắng và nền nhiệt độ cao tới cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng trang phục chống nắng không đúng cách lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Dùng ô, nón khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao
(ảnh chụp tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc).
Mới đây, trong lúc đi qua đường Nguyễn Tất Thành, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc một phụ nữ điều khiển xe máy chở một cháu nhỏ phía sau bị ngã… chỉ vì cái áo chống nắng. Trời nắng, chị mặc áo chống nắng kín mít, tà áo quá dài bị cuốn vào bánh sau xe máy khiến xe đổ, hai mẹ con ngã lăn ra đường. Rất may, cả hai mẹ con không bị thương, các phương tiện đi phía sau cũng đi chậm nên không xảy ra tai nạn giao thông.
Không thể phủ nhận tác dụng, sự tiện lợi của những chiếc áo, váy chống nắng khi đi ra đường dưới thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy,nhiều loại áo chống nắng được thiết kế khá dài, kín với mục đích chống nắng một cách tối đa cho cơ thể. Bên cạnh đó, không ít người bất cẩn, thậm chí không biết cách sử dụng áo chống nắng để chống nắng và giữ an toàn khi lưu thông trên đường.
Nhiều người có tâm lý mua áo, váy chống nắng rộng hơn so với cơ thể vì nghĩ rằng dài, rộng sẽ tạo cảm giác mát mẻ. Nhưng ít ai biết, nếu sử dụng áo, váy chống nắng quá dài, rộng sẽ gây vướng hoặc tà áo có thể bị cuốn vào bánh xe, bị kẹp vào chân chống xe khi dừng, đỗ xe máy hoặc chính người mặc cũng giẫm phải váy chống nắng nếu đi giày cao gót. Hậu quả, đã có người bị ngã ra đường, nhẹ thì bong gân, trầy xước chân tay, nặng thì có thể chấn thương sọ não...
Anh Nguyễn Đức Việt ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Nhiều lần đi qua các đoạn đường khu vực nông thôn, tôi thấy nhiều phụ nữ đi xe máy không chỉ mặc quần áo kín mít mà còn đội nón, thậm chí cầm ô. Mặc dù họ chỉ đi đoạn đường ngắn như đi chợ, đưa đón con đi học nhưng điều này thực sự nguy hiểm, bởi khi đi xe máy, nón có thể bị lật úp vào mặt, ô có thể bị hất ngược ra phía sau rất dễ gây tai nạn giao thông. Đó còn chưa kể, khi che chắn quá kín bằng áo, mũ chống nắng sẽ hạn chế tầm nhìn, khó quan sát các phương tiện giao thông khác khi lưu thông hoặc chuyển hướng làn đường".
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày thời tiết nắng nóng trên các tuyến phố ở các thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, việc dừng đèn đỏ, đỗ xe sai vị trí nhằm tránh nắng cũng rất phổ biến. Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông tự ý dừng tại các bóng cây ven đường dù vạch dừng đèn đỏ còn cách đó khá xa. Nhiều xe ô tô thậm chí còn núp dưới bóng cây, bất chấp việc đỗ xe sai làn đường tại các ngõ phố nhỏ.
Đặc biệt, để “trốn” nắng, không ít người điều khiển phương tiện giao thông còn lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí vượt đèn đỏ hoặc đi trái làn đường nếu không có cảnh sát giao thông ở khu vực đó.
Mới đây, tại đường Mê Linh, gần khu vực Chợ Tổng, một phụ nữ chở gas cho khách, dưới thời tiết nắng như đổ lửa, chị không chỉ tránh nắng bằng cách bịt kín gần hết khuôn mặt mà còn liều lĩnh đi trái làn đường để nhanh tới địa điểm giao hàng. Kết quả, do hạn chế tầm nhìn và đi sai làn, chị suýt va chạm với một xe máy khác nên đã phanh gấp khiến cả người và xe ngã ra đường, bình gas cũng văng ra theo.
Thực hiện các giải pháp chống nắng, nóng khi tham gia giao thông là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, mỗi chúng ta khi tham gia giao thông cần sử dụng các trang phục chống nắng gọn gàng, phù hợp; tránh sử dụng trang phục chống nắng quá dài, rộng, trùm kín từ đầu tới chân sẽ khó quan sát, có thể vướng vào bánh xe, gây tai nạn đáng tiếc.
Khi tham gia giao thông, người dân cần tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, không phóng nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ, không dừng đỗ sai vị trí khi chờ đèn đỏ; không sử dụng nón, ô để tránh nắng khi điều khiển xe máy tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính mình, người thân và những người xung quanh.