Việc hình thành cho trẻ ý thức về an toàn giao thông (ATGT) ngay từ nhỏ là vô cùng cần thiết. Hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Phú Yên đều đẩy mạnh giáo dục ATGT, tạo cho trẻ ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ngay từ nhỏ, đồng thời qua đó tạo sân chơi bổ ích cho các cháu.
Một giờ học về ATGT tại Trường mầm non Vườn kẹo ngọt.
Trẻ mầm non tư duy như tờ giấy trắng, việc hình thành ý thức cho trẻ không chỉ có sự giáo dục của nhà trường mà còn phụ thuộc rất nhiều từ tấm gương của phụ huynh.
Học mà chơi, chơi mà học
Mục đích chính của việc giáo dục ATGT tại trường mầm non nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp trẻ có những hiểu biết sơ đẳng, thiết thực về luật lệ ATGT. Mô hình giáo dục này cũng hình thành cho trẻ những hành động, thói quen ban đầu, qua đó trẻ có thái độ phê phán, không đồng tình với những hành vi không đúng khi tham gia giao thông.
Tại Trường mầm non Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, để tạo cho trẻ kiến thức về các kỹ năng tham gia giao thông, hằng ngày giáo viên cho trẻ đọc thơ, học bài hát về giao thông với những câu từ đơn giản, dễ nhớ. Qua đó, trẻ vừa có thể dễ dàng thuộc và nhanh chóng áp dụng, khi gặp tình huống sẽ biết phản xạ theo đúng như những gì đã được học ở lớp. “Các tiết học giao thông thường diễn ra theo chủ đề, mỗi tháng sẽ có chủ đề trọng điểm. Đầu tiên sẽ cho trẻ xem tranh ảnh, thông tin về ATGT, tiếp đó là tiếp xúc với các mô hình, trò chơi giao thông, sau cùng là thực hành”, cô Nguyễn Thị Hồng Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Phước cho biết:
Việc lồng ghép các buổi hoạt động trên lớp và hoạt động ngoài trời về chủ đề ATGT cũng đang được triển khai tại Trường mầm non Vườn kẹo ngọt, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Theo cô Nguyễn Thị Lý Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, giáo dục ATGT cho trẻ là một trong những nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục dành cho lứa tuổi mầm non. Khi triển khai chương trình này trong nhà trường, giáo viên luôn tạo cho trẻ môi trường hoạt động tốt để trẻ được khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm theo phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Qua các đồ chơi, giáo viên xây dựng các mô hình giao thông để giáo dục ATGT cho trẻ như: “Ngã tư đường phố”, “Con đường về nhà”, “Vòng xuyến giao thông”…
Trong một giờ học của lớp mẫu giáo bé, từng nhóm trẻ được phân công đóng vai cảnh sát giao thông và người lái xe, xử lý tình huống nhỏ như: tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, hướng dẫn đi đúng làn đường quy định, khi lái xe trời tối cần phải bật đèn xe, sử dụng kèn khi tham gia giao thông ở những đoạn đường đông người... Hầu hết trẻ rất hào hứng khi được phân vai trong trò chơi, các hoạt động góc diễn ra vào buổi sáng sớm, vừa giúp trẻ vui chơi có thêm kiến thức vừa rèn luyện sức khỏe.
Hình thành ý thức ngay từ nhỏ
Có thể thấy rằng, việc giáo dục về ATGT trong trường mầm non đã ảnh hưởng tích cực đến ý thức của trẻ em. Dù chỉ mới ở lứa tuổi mầm non nhưng đa số các cháu có thể trả lời chính xác một số nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông.
Mới 4 tuổi nhưng bé Ngô Khánh Ngọc, phường 7, thành phố Tuy Hòa đã biết được nhiều nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông. Không chỉ nhận biết rất nhanh các loại phương tiện giao thông, bé còn trả lời chính xác một số nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông như: ra đường phải đi bên phải, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy... Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, mẹ bé Khánh Ngọc, cho biết: “Hôm rồi, tôi dắt cháu qua đường (tại nơi không có vạch qua đường), nhưng cháu kiên quyết không chịu và bảo rằng như thế là vi phạm. Tôi cũng khá bất ngờ về điều này. Sau đó, hai mẹ con phải đi đến đúng nơi cho phép người đi bộ qua đường. Hiện nay, các cháu tiếp thu kiến thức rất nhanh”.
Cũng như chị Thảo, chị Trần Thị Thu Thủy ở thị xã Đông Hòa cũng nhiều phen ngại ngùng trước mặt con trẻ. Chị Thủy chia sẻ: “Tháng trước, tôi chở con đi học, vì buổi sáng vội quá, sợ trễ giờ làm nên tôi chạy xe vượt đèn đỏ. Thế là, cháu khóc và trách tôi. Hôm đó về, tôi phải xin lỗi, cháu mới hết giận. Từ đó trở đi, tôi chẳng bao giờ dám vi phạm nữa”.
Theo cô Nguyễn Thị Lý Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Vườn kẹo ngọt: Trẻ mầm non tư duy như tờ giấy trắng, hay có những hành động bắt chước những điều mình bắt gặp hằng ngày. Không chỉ được giáo dục tại trường mà phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc hình thành ý thức cho trẻ. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen quan sát, cách xử lý tình huống khi đi trên đường và làm gương để các cháu noi theo khi tham gia giao thông.