Thời gian qua, công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự (TT) an toàn giao thông (ATGT) được tăng cường, nhất là thực hiện theo chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, tốc độ đối với lái xe. Hiệu quả của hoạt động này đã góp phần tăng tính răn đe của pháp luật trong lĩnh vực ATGT, từ đó giáo dục, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tuần tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả
Năm ATGT 2020 với chủ đề: “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, các lực lượng chức năng trong tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT đều khắp trên địa bàn. Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy, Thanh tra giao thông đã phát hiện, lập biên bản trên 21.500 trường hợp vi phạm, xử phạt số tiền hơn 29,6 tỷ đồng. Đồng thời, tước 2.700 giấy phép lái xe và tạm giữ gần 4.000 phương tiện các loại.
Từ mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông về chấp hành pháp luật, nhất là các quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến rượu bia, các lực lượng tuần tra, kiểm soát đã lập kế hoạch mở cao điểm xử lý nồng độ cồn, lập biên bản trên 600 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 3,9 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bạc Liêu tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A,
đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Lợi
Trong năm, việc xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát cố định cũng thu được hiệu quả tích cực khi phát hiện, ghi nhận và ra xử phạt gần 2.500 trường hợp, với số tiền trên 6,9 tỷ đồng.
Cùng với đó, lực lượng tuần tra kiểm soát của tỉnh và Công an các địa phương cũng tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, ngăn ngừa, phòng tránh ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, tuyến đường đô thị, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông du khách đến hành hương như: Quán âm Phật đài, Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện. Do có sự chủ động xử lý nhanh các điểm gây tắc nghẽn, tình trạng ùn tắc giao thông đã được kiểm soát không xảy ra kéo dài. Trong năm, nhiều mô hình bảo đảm TTATGT cũng được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, như mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, góp phần làm cho tình hình TTATGT đường thủy chuyển biến tích cực.
Siết chặt kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường giao thông an toàn
Theo Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu, mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhưng do tình hình TTATGT năm 2020 diễn biến phức tạp nên TNGT tăng 2 tiêu chí. Số người chết do TNGT tăng 19% và số người bị thương tăng trên 14% so với năm 2019. Trong các nguyên nhân dẫn đến TNGT, phần nhiều do lỗi hỗn hợp bao gồm: không chú ý quan sát, vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, không nhường đường…; tiếp đến là lỗi đi không đúng làn đường, phần đường; sử dụng rượu bia.
Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe chạy quá tốc độ, nẹt pô trên một số tuyến đường vẫn còn diễn ra chưa được ngăn chặn xử lý dứt điểm. Đặc biệt là tuyến đường Cao Văn Lầu, đường tránh Quốc lộ 1, đường Võ Văn Kiệt (thuộc địa bàn TP. Bạc Liêu). Công tác quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, xe buýt chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Công tác quản lý phương tiện và người lái phương tiện thủy gặp nhiều khó khăn trong khâu đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn còn khá nhiều.
Bước vào năm ATGT 2021 với chủ đề: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và kỷ cương thực thi pháp luật về ATGT”, mục tiêu giảm TNGT từ 5 - 10%, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; giảm TNGT do nguyên nhân rượu bia. Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ và đường thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông…