Bắc Ninh: Xây dựng văn hóa giao thông

Thứ năm, 16/09/2021 16:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) nhưng không thể phủ nhận rằng phần lớn các vụ TNGT xảy ra là do sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là giải pháp thiết thực nhất góp phần giảm thiểu TNGT, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, an toàn giao thông là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Đi khắp nẻo đường, khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông, hãy chấp hành Luật Giao thông để đem lại an toàn, hạnh phúc cho chính bản thân mình. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa trước những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Riêng trên địa bàn tỉnh, tính đến hết tháng 8, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết 39 người, làm bị thương 17 người; trong số đó có không ít vụ TNGT rất nghiêm trọng làm chết từ 2-3 người. Hậu quả của các vụ TNGT thì ai cùng thấy rõ, người chết, người bị thương tật vĩnh viễn cùng với nhiều thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho bản thân và gia đình. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT được các lực lượng chức năng chỉ ra, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do lỗi chủ quan xuất phát từ ý thức tham gia giao thông và chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện.

Cũng theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 8 tháng, lực lượng chức năng trong tỉnh phát hiện, xử lý hơn 15 nghìn vi phạm Luật Giao thông. Song đó chỉ là một phần bởi lúc vắng bóng các lực lượng chức năng, không ít người vẫn bất chấp quy định pháp luật, có những hành vi vi phạm như: Phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; không đi đúng phần đường, làn đường; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, uống rượu bia nhưng vẫn lái xe… Dù biết hành động đó có thể gây nguy hiểm cho mình và những người cùng tham gia giao thông nhưng họ vẫn xem là chuyện nhỏ. Chỉ đến khi trở thành nguyên nhân của những vụ TNGT thì mới thấu hiểu “sai một ly đi một dặm”...

CSGT kiểm tra phương tiện trên Quốc lộ 18, đoạn qua phường Vân Dương (thành phố Bắc Ninh)

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, trong tháng 9 - tháng cao điểm bảo đảm ATGT, các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ hàng loạt biện pháp bảo đảm ATGT với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông để kiềm chế TNGT. Giải pháp trọng tâm vẫn là đầy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Băng rôn, khẩu hiệu vận động người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông sẽ được các địa phương, đơn vị tăng cường ở các trục đường, nơi tập trung đông người với nội dung thiết thực như: “Tính mạng con người là trên hết”, “An toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người”, “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Không chở quá tải, quá số người qui định”, “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ”, “Đã uống rượu, bia không lái xe”….

Tin tức, hình ảnh, kiến thức về bảo đảm ATGT, văn hóa giao thông được lan tỏa đến từng đường làng, ngõ xóm, từng gia đình qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh, buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể các cấp… Hoạt động tuyên truyền đặc biệt hướng tới đối tượng thanh niên, sinh viên, học sinh; thực hiện các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nhân rộng mô hình “Đi đến trường an toàn - về đền nhà an toàn” tại các trường Tiểu học, THCS... Bên cạnh đó, trong tháng cao điểm, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh sẽ tăng cường các kế hoạch tuần tra, kiểm soát quyết liệt xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông kết hợp với tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ quy định pháp luật... 

Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của người thực thi công vụ thì, ý thức, hành vi ứng xử có văn hóa của mỗi người là yếu tố có tính quyết định. Mỗi người hãy bắt đầu bằng hành động tự giác chấp hành quy định Luật Giao thông, tạo dựng môi trường giao thông thân thiện, cũng là góp phần thiết thực trong việc kéo giảm TNGT./.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)