Từ lâu, cụm từ “văn hóa giao thông” đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Văn hóa khi tham gia giao thông có thể gói gọn trong việc chấp hành nghiêm và thực hiện đúng luật giao thông, đề cao ý thức của người tham gia giao thông và lên án những hành vi xấu, trái ngược với chuẩn mực. Xét một cách cụ thể, văn hóa giao thông đơn giản bắt đầu từ những tình huống, hành động nhỏ.
Việc dừng phương tiện trước vạch kẻ đường khi chờ đèn đỏ
là hành động thể hiện người có văn hóa giao thông
Một lần, chị Nguyễn Thị Thúy, trú tại tổ 21, phường Phan Đình Phùng (TP Thái Nguyên) chở các thành viên trong gia đình trên xe ô tô đang chạy trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội thì bất ngờ gặp sự cố thủng lốp. Bánh xe bị xì hơi nên không thể tiếp tục lưu thông, chị Thúy đành tấp vào làn khẩn cấp, bật đèn cảnh báo nguy hiểm và xuống kiểm tra, xử lý. Vì trên xe chỉ có người già và trẻ nhỏ nên chị Thúy phải gọi điện cầu cứu người thân và lực lượng cứu hộ, tuy nhiên, thời gian phải chờ đợi trên đường khá lâu.
Trong lúc lo lắng, có một tài xế xe tải nhìn thấy tín hiệu cảnh báo và sự “cầu cứu” của chị Thúy nên đã chủ động giảm tốc độ, dừng xe, bật đèn cảnh báo sự cố rồi tiến đến hỏi thăm. Khi nắm được tình trạng xe, anh tài xế xe tải không quên tìm cành cây đặt phía sau 2 xe để cảnh báo cho những phương tiện khác. Nhờ có kinh nghiệm và lòng nhiệt tình mà chỉ vài phút sau, anh tài xế xe tải đã thay xong lốp dự phòng cho chiếc xe của chị Thúy.
Khi kể lại sự việc trên, chị Thúy vui vẻ: Hành động của bác tài xế xe tải thật đáng trân trọng. Đây là hành động đẹp, tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, không phải ai cũng sẵn sàng làm như vậy. Tôi nghĩ rằng, khi tham gia giao thông thì sự cố có thể xảy đến với bất cứ ai nên những người có nghĩa cử đẹp, luôn biết tương trợ người khác như vậy rất đáng quý.
Câu chuyện của chị Thúy khiến tôi nhớ lại hành động của một số người dân ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên giúp đỡ một tài xế khi chiếc xe 4 chỗ của người này bị sa lầy trên tuyến đường đang thi công. Không ai bảo ai, người dân xung quanh đã nhanh chóng lấy cuốc, xẻng và xúc cát hỗ trợ đưa chiếc xe ra khỏi vũng lầy trước sự cảm kích của anh tài xế.
Tôi cũng từng gặp tình huống khó xử trong một lần tham gia giao thông trong phố. Lúc ấy, có khoảng 3, 4 xe đang cùng chạy trên đường thì bất ngờ từ vỉa hè, một cậu bé lao xuống lòng đường để nhặt quả bóng. Như một phản xạ tất yếu, các xe đều phanh gấp để dừng xe. Tuy nhiên, vì tình huống quá bất ngờ nên xe của tôi đã va chạm với một xe máy đang đi phía trước khiến tấm chắn bùn phía sau của chiếc xe bị xước. Mặc dù tôi đã xin lỗi, giải thích và thể hiện thiện chí giải quyết nhưng anh thanh niên đi chiếc xe máy trên nhất định bắt tôi phải đi cùng đến cửa hàng để thay tấm chắn bùn mới và thanh toán hóa đơn. Sự việc khiến một số người hiếu kỳ xúm lại bàn tán. Vài phút sau, ông của cậu bé khi nãy sau khi răn dạy cháu đã đến cảm ơn chúng tôi vì dừng xe kịp thời tránh tai nạn cho cháu nhỏ. Thấy chàng thanh niên tỏ thái độ căng thẳng, ông cũng đã nhẹ nhàng hòa giải, giúp tôi xử lý vụ việc một cách êm đẹp.
Quả thật, khi tham gia giao thông trên những cung đường, không hiếm khi chúng ta bắt gặp những hành động đẹp, thể hiện văn hóa giao thông. Đó là anh lái xe đường dài nhất quyết ra tín hiệu không cho xe phía sau vượt vì phía trước có xe chạy ngược chiều hoặc chướng ngại vật. Hay những biển cảnh báo tự chế được người dân đặt trên đường có ghi “đường có dầu, trơn trượt”, “khu vực này có hố gas bị mất nắp, cẩn thận khi đi đường”..., có khi chỉ là cành cây, viên đá đặt để cảnh báo vật cản giữa đường… Những “lòng tốt” đó dù nhỏ những thể hiện rất rõ văn hóa khi tham gia giao thông của người Việt.
Văn hóa giao thông không chỉ dừng lại ở việc chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông như: Không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, không chạy quá tốc độ.. mà còn là những cử chỉ tốt đẹp như dắt người già, trẻ nhỏ sang đường, ưu tiên cứu giúp những người gặp tai nạn… Đó chính là tính cộng đồng, là việc ứng xử giữa người với người, để xây dựng một môi trường giao thông an toàn, lành mạnh.