Khi đời sống ngày càng được nâng lên, xe ô tô trở thành phương tiện di chuyển khá phổ biến của người dân. Lượng ô tô tham gia giao thông ngày càng cao dẫn đến một số tuyến đường không còn chỗ dừng, đỗ xe. Vì thế, không ít chủ phương tiện dừng đỗ xe trước cửa nhà dân hoặc đỗ trong ngõ gây cản trở giao thông…
Ảnh minh họa
Mạnh ai nấy đỗ
Hầu như buổi trưa nào trên tuyến đường bê tông rộng khoảng 3m ở khu dân cư thuộc ngách 366, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cũng có từ 1 đến 3 chiếc xe ô tô đỗ ở lòng đường khiến cho việc di chuyển của người dân ở trong khu dân cư này rất khó khăn. Mọi người thường phải đi trên phần lề đường lổn nhổn sỏi đá. Anh Nguyễn Tiến Dũng, người thường xuyên ra vào khu vực này nói: Vì phải đi vào phần lề đường gồ ghề nên đã có lần tôi bị đá “chém” rách cả lốp xe.
Đa phần người dân ở khu vực này đều khó chịu với kiểu dừng đỗ rất thiếu văn hóa của các chủ xe. Tuy nhiên, do đều là hàng xóm nên mọi người chỉ ngao ngán lắc đầu chứ không ai dám “to tiếng”.
Tình trạng dừng, đỗ xe chiếm gần hết đường trong ngõ không còn xa lạ tại các khu dân cư ở TP. Thái Nguyên. Nhiều con ngõ chiều rộng chỉ khoảng 3 đến 4m, nhưng vì ở đường lớn không có chỗ nên các chủ xe phải vào trong ngõ đỗ xe.
Một số chủ phương tiện đỗ xe trước cửa nhà dân, thậm chí các xe đỗ song song hai bên đường, ngược đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và người tham gia giao thông.
Bà Nguyễn Thị Mùi, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), cho hay: Có hôm vừa sáng ra, tôi đã thấy một chiếc xe ô tô đỗ trước cổng. Chạy khắp nơi tìm mà không thấy chủ xe đâu, tôi đành ngậm ngùi ngồi đợi cả nửa giờ đồng hồ. Vì có xe “án ngữ” trước cổng bất thình lình nên nhiều hôm tôi bị muộn giờ làm việc.
Tự nâng cao ý thức
Rõ ràng, việc dừng đỗ xe tùy tiện là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Đơn cử như vụ việc xảy ra cách đây hơn 1 tháng tại khu vực gần Sở Công Thương, đường Bắc Kạn (TP. Thái Nguyên). Do dừng lại mua thực phẩm ngay ở lòng đường nên một chiếc xe ô tô đã bị xe mô tô đâm va từ phía sau dẫn tới xe máy bị hỏng nhẹ, xe ô tô bị móp ở phần đuôi. Rất may không có thiệt hại về người nên hai bên đã tự giải quyết “tình cảm”…
Đáng nói, đi kèm với bức xúc của những người bị cản trở giao thông là tình trạng cãi vã, xô xát giữa các bên khi việc dừng đỗ xe gây tai nạn. Thậm chí, nhiều người đã tìm cách “tấn công” chiếc xe đỗ ngênh ngang cho “bõ ghét”.
Trung tá Lương Bá Hùng, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nhiều điều, khoản quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ. Khoản 3 Điều 18 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định như cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình. Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó. Do đó, người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trong việc dừng, đỗ xe.
Theo đó, khi đỗ xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát xe đã đỗ trước cũng như giữ khoảng cách giữa các xe đảm bảo các phương tiện vẫn lưu thông được. Trong trường hợp phải bắt buộc phải đỗ xe dưới lòng lề đường trước cửa hàng, nhà riêng của người dân thì nên lựa chọn vị trí đỗ không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và để lại số điện thoại liên hệ…