Bạc Liêu: Nhiều mô hình đảm bảo TTATGT ở cơ sở hiệu quả chưa cao

Thứ tư, 10/07/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), thời gian qua nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện ở cơ sở và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì nhiều mô hình chưa mang lại hiệu quả cao như mong đợi.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), thời gian qua nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện ở cơ sở và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì nhiều mô hình chưa mang lại hiệu quả cao như mong đợi.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh Bạc Liêu đã phải nhìn nhận nhiều hạn chế. Đây là mô hình rộng, được thực hiện đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh và phát động đông đảo trong nhân dân. Thế nhưng, khi sơ kết, một số địa phương lại không tự đánh giá được kết quả cuộc vận động do mình tổ chức. Việc kiểm tra, rà soát của BCĐ cấp huyện và chính quyền địa phương đối với việc thực hiện các tiêu chí trong mô hình chưa được thực hiện thường xuyên và chấn chỉnh để hoàn thiện. Công tác bảo vệ luồng, hành lang ATGT vẫn được chính quyền địa phương ứng phó sơ sài.

Thượng tá Văn Công Dũng, Trưởng Công an huyện Hồng Dân, nhận xét: “Công tác phối hợp với các ngành, các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các mô hình đảm bảo trật tự ATGT từng lúc chưa được thường xuyên, còn chạy theo phong trào, một số tiêu chí chưa thực hiện tốt”.

Chính vì thế, nên sau 3 năm xây dựng mô hình mà những bến đò ngang có trang bị dụng cụ cứu sinh cho người đi đò chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các chủ bến, chủ phương tiện không gắn bảng hiệu, niêm yết giá, khẩu hiệu tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các quy định về đảm bảo ATGT. Chính quyền cấp xã, thị trấn “nói rồi để đó” với những trường hợp mở bến trái phép, bến không đủ điều kiện an toàn để hoạt động. Theo Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 14 thì hiện nay Bạc Liêu có khoảng 119 bến khách ngang sông, trong đó tồn tại 63 bến không phép, chiếm 53%.

Để nâng chất phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT, mô hình “Tổ tự quản ATGT” ở khóm, ấp sau gần 1 năm triển khai cũng đã đem lại hiệu quả bước đầu. Dù vậy, với các thành viên đa số là kiêm nhiệm và không có thù lao, ít được quan tâm nâng chất, mô hình này cũng đang dần lắng xuống. Anh Hoàng Thanh Hải, công an viên ấp Tam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: Tổ tự quản hoạt động chủ yếu dựa vào nhiệt huyết của các thành viên. Chúng tôi theo dõi và giáo dục những thanh niên hư hỏng, có biểu hiện vi phạm các quy định về ATGT như chạy xe lạng lách, rú ga vào ban đêm… Nhưng đối với nhiều đối tượng thường xuyên vi phạm, việc nhắc nhở gia đình cũng không có tác dụng.

Để chất lượng các mô hình đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở được nâng cao, cần tập trung vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong cộng đồng dân cư, lấy khu dân cư làm địa bàn trọng điểm để vận động; gắn xây dựng hộ gia đình ATGT với khu dân cư ATGT. Cuộc vận động này được thực hiện nghiêm túc, thiết thực sẽ góp phần làm thay đổi hành vi người vi phạm và kiềm chế TNGT trong toàn tỉnh.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)