Cà Mau: Tai nạn giao thông đường thủy vẫn còn ở mức cao

Thứ ba, 18/09/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, với số vụ tai nạn xảy ra là 13 vụ, làm chết 11 người, bị thương 5 người thì TNGT đường thủy vẫn còn ở mức cao, nhiều ẩn họa khôn lường trong mùa mưa bão.
Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, với số vụ tai nạn xảy ra là 13 vụ, làm chết 11 người, bị thương 5 người thì TNGT đường thủy vẫn còn ở mức cao, nhiều ẩn họa khôn lường trong mùa mưa bão.

Cà Mau có hơn 11.000 con sông lớn nhỏ; trên 140.000 phương tiện thủy nội địa, vận tải hành khách, hàng hóa; hơn 190 bến thủy nội địa hoạt động thường xuyên, trong đó chỉ có khoảng 70 bến được cấp giấy phép hoạt động.

Thực tế cho thấy, trật tự GTĐT chưa thật sự ổn định dù số lượng phương tiện tham gia giao thông thủy giảm rõ rệt. Bởi lẽ, tình trạng đặt đáy, nò, đó, lú… vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác đăng ký cũng như tổ chức học cấp chứng chỉ lái phương tiện chậm. Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông thủy nội địa chưa cao…

9 tháng năm 2012, các lực lượng chức năng kiểm tra hơn 700 cuộc, phát hiện và xử lý gần 7.000 trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, thanh thải nhiều chướng ngại vật trên sông.

Thế nhưng, như “ném đá ao bèo”, hôm trước thanh thải thì hôm sau chướng ngại vật lại dày đặc như cũ. Phức tạp nhất là tuyến sông Gành Hào (đoạn từ Cảng cá Cà Mau chạy dài đến Chà Là), trên luồng tuyến giao thông luôn bị người dân giăng chướng ngại vật để khai thác thủy sản, làm nghẽn dòng chảy và cản trở lưu thông.

Thượng tá Lê Hoàng Sách, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) Công an tỉnh, cho biết, bất cập trong công đảm bảo TTATGT hiện nay là vấn đề chướng ngại vật trên sông và hoạt động vi phạm luật của phương tiện thủy nội địa.

Đây là vấn đề không mới, nhưng cứ tồn đọng mà chưa được giải giải quyết thấu đáo. Việc đặt chướng ngại vật trên luồng tuyến giao thông cứ tái diễn là bởi những người làm nghề này là những hộ dân nghèo, khai thác thủy sản trên sông vốn là công việc mưu sinh.

Phương tiện thủy nội địa chiếm tỷ lệ lớn trong số các phương tiện tham gia giao thông, nhưng công tác đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn vẫn chưa có phương thức phù hợp để nâng tiến độ.

Người dân thì nhận thức kém, cứ nghĩ thỉnh thoảng mới sử dụng phương tiện mà chỉ lưu thông trên các tuyến sông nhỏ, không có lực lượng kiểm tra nên không cần thi lấy chứng chỉ.

Chính vì không có chứng chỉ lái phương tiện nên người tham gia giao thông thường tìm cách đối phó khi có lực lượng kiểm tra. Do kinh phí hạn hẹp, lực lượng CSGT không thể tuần tra hết các tuyến sông. Vì vậy, khi phát hiện có kiểm tra thì người tham gia giao thông thông báo cho nhau để “né”. Trường hợp bị phát hiện thì… than nghèo, không tiền đóng phạt.

Thượng tá Lê Hoàng Sách cho biết thêm, xét hoàn cảnh những người vi phạm luồng tuyến trên sông đều là những hộ nghèo, đã qua lực lượng CSGTĐT chủ yếu là giáo dục pháp luật.

Thậm chí phát hiện các trường hợp điều khiển phương tiện không an toàn (đi đêm không đèn, say xỉn khi điều khiển phương tiện…), lực lượng kiểm tra cũng chỉ tạm giữ phương tiện và cho về khi thấy an toàn.

Riêng đối với các phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa, mua bán trên sông, nếu vi phạm sẽ được xử lý nghiêm, vì đây là những đối tượng tham gia giao thông thường xuyên.

Theo nhận định của lực lượng CSGTĐT, TTATGT vẫn luôn biến động theo thời điểm. Muốn ổn định lâu dài thì các cấp, các ngành cần phải giải quyết triệt để từ gốc và tuyên truyền vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất. Mặt khác, tỉnh nên tăng thẩm quyền xử lý vi phạm cho lực lượng công an địa phương.

Theo báo Cà Mau

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)