Việc nhắn tin khi ngồi sau tay lái gây ra không ít nguy hiểm cho người điều khiển xe... Một nghiên cứu của Paw Research (Mỹ) cho thấy, 34% thanh niên ở Mỹ thừa nhận thường xuyên vừa nhắn tin vừa lái xe và 47% người lớn cũng làm điều tương tự khi đang ngồi sau tay lái.
Năm 2008, Ủy ban quản lý an toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) công bố một con số gây bàng hoàng: Gần 6000 người chết và hơn một nửa những người bị thương là do bị phân tâm trong khi đang lái xe. Nghiên cứu không tập trung vào việc liệu người lái xe có sử dụng tin nhắn hay không nhưng nó đã cho thấy mức độ nguy hiểm của việc không tập trung khi lái xe.
Việc nhắn tin làm ảnh hưởng đến việc chú ý vào các vật cản khi xe đang di chuyển. Điều này giải thích vì sao 28 bang ở Mỹ đã cấm lái xe nhắn tin khi điều khiển xe. Nhưng liệu có bằng chứng nào cho thấy nhắn tin trong khi đang lái xe nguy hiểm đến mức các chuyên gia phải cảnh báo là nguy hiểm không kém việc say rượu cầm lái?
Các nghiên cứu đang được tiến hành, nhưng một số tổ chức trong ngành công nghiệp ô tô và giới nghiên cứu đã khẳng định rằng, nhắn tin chắc chắn nguy hiểm không kém uống rượu trong khi lái xe (thậm chí, trong một số trường hợp mức độ nghiêm trọng còn lớn hơn). Nguyên nhân dẫn đến các rủi ro chủ yếu là khả năng quan sát của người lái bị giảm đi rất nhiều, do vậy giảm khả năng phản ứng với những thay đổi bất ngờ.
Hai nghiên cứu cụ thể dưới đây cho thấy vì sao việc nhắn tin trong khi lái xe làm giảm khả năng của người lái nhiều hơn cả việc người đó đang cảm thấy ngà ngà say.
Một cuộc thử nghiệm được tiến hành, trong xe có quan sát viên và một trợ lý cùng tham gia. Thử nghiệm đầu tiên là đo mức độ phản ứng ở hai trường hợp khác nhau: Lái xe trong điều kiện tỉnh táo, không bị phân tâm và sau đó là phản ứng của tài xế trong khi sử dụng điện thoại để đọc và gửi tin nhắn. Một chiếc đèn phanh gắn ở trước kính chắn gió để mô phỏng một chiếc xe đang phanh trước mặt họ.
Khi đọc và gửi tin nhắn, thời gian phản ứng của tài xế được xác định dựa trên thời gian tính từ lúc đèn phanh bật sáng và khi người lái đạp lên bàn đạp phanh ở hai tốc độ 56,3 km/h và 112,7 km/h. Cả hai tài xế đều có thời gian phản ứng lâu hơn khi vừa lái vừa đọc và gửi tin nhắn so với khi lái xe bình thường.
Tất cả các cuộc thử nghiệm đều được tiến hành trên đường băng của một sân bay đóng cửa, không có tín hiệu giao thông, không có đường rẽ. Thử nghiệm cho thấy, thời gian phản ứng với các tình huống trên đường quá dài do bận nhắn tin có thể dẫn đến hậu quả thực sự nghiêm trọng trong thực tế.
Một thử nghiệm tương tự được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Giao thông vận tải ở London (Anh) cho kết quả: Những người nhắn tin khi lái xe không những phản ứng chậm hơn, mà còn bị chệch đường, thậm chí còn tệ hơn so với những người có nồng độ cồn trong máu.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, phản ứng của người nhắn tin trong khi lái xe chậm hơn khoảng 35% bình thường. Khả năng duy trì khoảng cách an toàn trên đường bị sụt giảm đáng kể và khả năng điều khiển xe cũng bị sụt giảm tới 91%.
Phát ngôn viên của Phòng nghiên cứu đã kết luận: Rõ ràng nhắn tin trong khi lái xe là một hiểm họa có thực. Cùng với rượu, nhắn tin trong khi lái xe là những thói quen nguy hiểm cần phải từ bỏ.
Chinhpc(vovgiaothong.vn)