Tai nạn giao thông - “Căn bệnh” bao giờ mới chữa dứt

Thứ tư, 13/07/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 97 người, bị thương 41 người.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 97 người, bị thương 41 người.
Như vậy, số vụ TNGT 6 tháng đầu năm 2011 tăng thêm 7 vụ, tăng 28 người chết, tăng 12 người bị thương so với cùng kỳ năm 2010. Số vụ TNGT vẫn tập trung nhiều trên các tuyến QL18A, QL10, QL279 và một số đường tỉnh lộ. Thời gian xảy ra tai nạn đa số từ 12h đến 24h nhưng TNGT nghiêm trọng lại thường xảy ra từ 24h trở về sáng. Điều này cho thấy, bất cứ giờ nào trong ngày, TNGT vẫn là mối họa rình rập nếu người tham gia giao thông không nghiêm túc chấp hành luật.
Vẫn là chuyện ý thức
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Đặc điểm nổi bật của tình hình TTATGT 6 tháng đầu năm 2011 là sự tăng giảm thất thường về TNGT ở các địa phương, mà nguyên nhân không gì khác vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Ông Tùng bức xúc: "Đáng buồn là sau những nỗ lực của các cơ quan hữu quan, số vụ tai nạn trên toàn tỉnh lại tăng đáng kể. Nếu vẫn còn những người không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông mà không xảy ra tai nạn mới là chuyện lạ".
Nguyên nhân cơ bản và có tính quyết định trong các vụ TNGT được các cơ quan chức năng đưa ra vẫn là: Ý thức chấp hành quy tắc giao thông của người tham gia giao thông kém. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không giữ khoảng cách an toàn; đi không đúng phần đường; chạy tốc độ cao; đi ngược chiều đường; tránh vượt sai quy định, chuyển hướng sai quy định. Hình ảnh phổ biến trên tất cả các tuyến đường huyện, xã, đường thôn xóm là các phương tiện ngang nhiên vi phạm pháp luật giao thông mà ít bị (hoặc không bị) cơ quan chức năng xử lý. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng người ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, xe công nông vẫn hoạt động... Điều đáng nói, do vi phạm mà không bị xử lý nên lâu dần đã hình thành ý thức coi thường luật giao thông của những người điều khiển phương tiện. Cũng chính từ những sự việc trên đã dẫn tới thực trạng: Số vụ TNGT gây chết người ở các khu vực này thường chiếm khoảng từ 50 đến 70% trong tổng số vụ trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp còn do những nguyên nhân rất cũ như: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, cảnh sát giao thông có lúc, có nơi thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm... Mặt khác, ở một số địa phương, chính quyền và cơ quan chức năng đang thiếu tích cực, lơ là trong bảo đảm trật tự ATGT ngay từ cơ sở. Điều này được giải thích bằng việc lực lượng cảnh sát giao thông ở các huyện, thị xã rất mỏng. Do đó, việc xử lý vi phạm hiện rất khó khăn vì thiếu quân số. Cảnh sát giao thông thường chỉ xử lý ở các tuyến đường trọng điểm của địa phương, ít khi kiểm soát được trên toàn địa bàn. Trong khi đó, công an các xã, thị trấn - lực lượng đã từng được trưng dụng để bảo đảm an toàn giao thông tại địa phương đến nay vì nhiều lý do, như thù lao trích từ tiền xử phạt không kịp thời, đầy đủ, phải thực hiện nhiệm vụ khác... nên gần như ngừng thực hiện công việc này.
Ngoài ra, không thể không kể đến nguyên nhân của TNGT xuất phát từ kết cấu hạ tầng. Phải nói rằng, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tại Quảng Ninh tăng nhanh cả về mật độ và tải trọng trong những năm qua thực sự đã vượt quá khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông. Trên thực tế, hệ thống đường bộ trong tỉnh đều đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu, với thiết kế mặt đường hẹp, tải trọng thấp. Phần lớn số đường này đều đã quá thời hạn sửa chữa, trung, đại tu. Ngoài ra, việc nhiều tuyến đường trong tỉnh hiện đang được cải tạo, nâng cấp, vừa thi công vừa khai thác đã khiến việc đảm bảo TTATGT trở nên vô cùng khó kiểm soát.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc gia tăng số vụ TNGT. Đáng kể đến là tình trạng giao thông hỗn hợp, trộn lẫn các dòng phương tiện, giao nhau đồng mức, không có đường dành riêng cho từng loại phương tiện dẫn đến việc đi lại lộn xộn, tranh giành phần đường, đi quá tốc độ cho phép, tránh vượt sai quy định... Ngoài ra, hệ thống hành lang an toàn đường sắt, đường bộ, đường thủy trong tỉnh đang bị lấn chiếm nghiêm trọng, chưa được khắc phục và xử lý kiên quyết. Tình trạng đấu nối trái phép, đấu nối trực tiếp từ nhà dân vào đường bộ, mở đường ngang dân sinh qua đường sắt diễn ra phổ biến cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng số vụ TNGT...
Giải pháp nào để giảm TNGT?
"6 tháng cuối năm 2011, toàn tỉnh quyết tâm kiềm chế và giảm TNGT, tạo tiền đề thực hiện cho các tháng tiếp theo" - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Thanh Tùng khẳng định trong các cuộc làm việc, kiểm tra tại các địa phương có TNGT tăng, đợt cuối tháng 6 vừa qua. Muốn vậy, trước hết phải có sự đồng thuận của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh.
Cũng tại các buổi làm việc này, đại diện Sở Giao thông - Vận tải khẳng định: Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Sở sẽ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu đường; phân luồng, tổ chức lại giao thông hợp lý, chống ùn tắc nhất là ở các khu vực đầu thành phố, các trục đường giao thông chính, quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường đang vừa khai thác, vừa thi công... Cùng với đó, Sở sẽ phát hiện và xử lý các điểm đen về tai nạn, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông sẽ được triển khai như: Tăng cường tuần tra kiểm soát; tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; tăng cường tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính, tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, đối với các địa phương có TNGT tăng cần phân tích, xác định đối tượng, tuyến đường, địa bàn, hành vi vi phạm dẫn đến TNGT, từ đó xây dựng phương án tổ chức lực lượng phù hợp và tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT theo các chuyên đề, phối hợp ngành Giao thông - Vận tải tổ chức khảo sát các vị trí xảy ra TNGT. Đồng thời, cũng cần xác định nguyên nhân về tổ chức giao thông để kiến nghị cắm biển báo hạn chế tốc độ tại một số điểm đông dân cư, đường cong tầm nhìn bị che khuất, nhất là "điểm đen" đã xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; bổ sung dải phân cách mềm, vạch sơn để phân làn đường, phần đường, hệ thống cọc tiêu, gờ giảm tốc... Lực lượng công an xã, thị trấn thường xuyên phối hợp chính quyền xã, phường tổ chức các cuộc họp dân phố, nêu tên các trường hợp vi phạm trên đài phát thanh của xã; đến từng hộ dân tuyên truyền vận động việc chấp hành Luật Giao thông; đối với các trường hợp tái phạm, thực hiện gọi lên xã răn đe, ký cam kết không vi phạm.
Bảo đảm ATGT ngay từ cơ sở là việc làm cụ thể và thiết thực trong bối cảnh hiện tại. Các cấp, các ngành cần tăng cường chỉ đạo, giám sát hoạt động này tại tất cả các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Thay vì chỉ xử lý vi phạm giao thông từ "ngọn" thì nay rất cần quan tâm giữ gìn ATGT từ "gốc", nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn.


Huyenhs(Theo báo quảng ninh)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)