Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện thủy nội địa phải có chứng chỉ chuyên môn. Thế nhưng, ở tỉnh ta phần đông người điều khiển phương tiện thủy nội địa không có chứng chỉ chuyên môn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức của người dân và khâu tổ chức học, thi lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa còn bộc lộ nhiều vướng mắc.
Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện thủy nội địa phải có chứng chỉ chuyên môn. Thế nhưng, ở tỉnh ta phần đông người điều khiển phương tiện thủy nội địa không có chứng chỉ chuyên môn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức của người dân và khâu tổ chức học, thi lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa còn bộc lộ nhiều vướng mắc.
Do đặc thù là vùng sông nước nên người dân đi lại chủ yếu bằng phương tiện thủy gia dụng. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, năm 2007, toàn tỉnh có trên 90 ngàn phương tiện thủy nội địa. Từ con số này, theo cách tính thông thường 1 phương tiện chỉ cần 1 người lái thì phải có trên 90 ngàn người phải học lấy chứng chỉ chuyên môn.
Nhưng thực tế, người có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa còn rất ít, chiếm khoảng 27%. Có nghĩa là khoảng 31.000 người có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa, còn lại trên 60.000 người không có chứng chỉ.
Thời gian gần đây, hệ thống giao thông đường bộ có bước phát triển, nhất là lộ giao thông nông thôn dần được đấu nối với các trục lộ chính nên lượng phương tiện thủy nội địa có chiều hướng giảm xuống. Tuy nhiên, theo ước tính của ngành chức năng, tỉnh ta vẫn còn khoảng 70.000 phương tiện thủy nội địa.
Thế nhưng, số lượng người đăng ký học thi lấy chứng chỉ ngày càng giảm. Đây là nỗi lo của các ngành chức năng, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tai nạn giao thông đường thủy có chiều hướng gia tăng.
Anh Trần Tuấn Đạt, chuyên viên Phòng vận tải, Sở Giao thông vận tải, cho biết: "So với thời điểm năm 2007, số lượng người đăng ký học thi lấy chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa giảm mạnh. Trước đây một khóa học có 300-400 hồ sơ đăng ký, nay còn khoảng 40-50 hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã mở 5 khóa học thi lấy chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa nhưng chỉ có 212 người tham gia học".
Người dân không tham gia học không phải vì học phí cao mà do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy chưa tốt. Việc người dân chưa quan tâm đến việc học thi lấy chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân việc xử lý vi phạm về lĩnh vực này còn thể hiện nhiều bất cập.
Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông còn mỏng, kinh phí cho tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy tốn kém hơn gấp nhiều lần so với tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ. Mặt khác, trong quá trình tuần tra kiểm soát, phát hiện vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy chỉ là nhắc nhở chứ không thể giữ phương tiện vi phạm vì không có bến bãi.
Chính từ việc tuần tra kiểm soát không được thường xuyên, hình thức xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh nên người dân không mặn mà và ít quan tâm đến việc học thi lấy chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Khởi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động huyện Năm Căn, kiến nghị, ngoài công tác đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa đến người dân, ngành chức năng cần chấn chỉnh khâu tổ chức học thi lấy chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa. Tốt nhất cần tổ chức lớp học thi lấy chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa ở tất cả các xã chứ không nên làm theo cách cũ một huyện chỉ tổ chức ở một xã.
Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm đối với đối tượng điều khiển phương tiện thủy nội địa không có chứng chỉ chuyên môn. Muốn làm được việc này cần phải tăng cường lực lượng, kinh phí hoạt động, đầu tư các bến bãi để lưu giữ các phương tiện vi phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì Luật Giao thông đường thủy nội địa sẽ được người dân chấp hành nghiêm túc hơn. Khi đó tai nạn đường thủy sẽ được hạn chế./.
Tunglt (Theo baocamau.com.vn)