Báo động tình trạng học sinh sử dụng xe mô tô đi học

Thứ ba, 10/05/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“...Hiệu trưởng các trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên về chấp hành pháp luật TTATGT; thường xuyên nhắc nhở, đưa thông báo liên quan đến TTATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội; quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật TTATGT. Từ ngày 01 tháng 9 năm 2007 kiên quyết xử lý nghiêm đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy; Bộ Giáo dục và đào tạo quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường không tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định trên.”
“...Hiệu trưởng các trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên về chấp hành pháp luật TTATGT; thường xuyên nhắc nhở, đưa thông báo liên quan đến TTATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội; quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật TTATGT. Từ ngày 01 tháng 9 năm 2007 kiên quyết xử lý nghiêm đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy; Bộ Giáo dục và đào tạo quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường không tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định trên.”
Số lượng phương tiện mô tô, xe gắn máy (sau đây gọi chung là xe máy) ngày càng gia tăng, thì tình trạng học sinh sử dụng nó làm phương tiện để đi học cũng tăng theo dù biết như vậy là vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Xe máy…là phương tiện chính?
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến hết tháng 12 năm 2010, số lượng xe máy trên địa bàn tỉnh tăng 45.373 chiếc (tăng 11,38%), ôtô tăng 1.527 chiếc (tăng 13,12%) so với năm 2009. Điều đó cho thấy, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao hơn. Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra khi mà ý thức chấp hành pháp luật TTATGT ở một bộ phận nhân dân lại “tỷ lệ nghịch” với sự sung túc của chính họ. Tình trạng người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4, vượt đèn đỏ,…, đang là vấn đề khiến các cơ quan liên quan đau đầu. Trong đó, đáng báo động là chuyện học sinh không đủ tuổi hoặc không có Giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe máy đi học; nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở 3 - 4 người lạng lách, đánh võng xảy ra tràn lan.
Theo ông Trương Khuê - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, một phần nguyên nhân là do nhà trường chưa có biện pháp giáo dục hiệu quả hoặc chưa quan tâm đúng mức tới việc quản lý, giám sát học sinh sử dụng xe máy đến trường. Còn lực lượng cưỡng chế, thi hành pháp luật không xử phạt, nếu có cũng qua loa chiếu lệ khiến cho đối tượng trên tỏ ra “nhờn luật”. Công tác tuyên truyền chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, nội dung và hình thức chưa phong phú nên không thu hút được đông đảo người dân nhất là đối tượng có nguy cơ cao về tai nạn giao thông như lực lượng thanh - thiếu niên.
Nhưng theo người viết, nơi chịu trách nhiệm đầu tiên phải là gia đình của các em. Bởi gia đình chính là “đầu ra” của phương tiện mà học sinh sử dụng. Chỉ có sự quản lý hời hợt, thiếu trách nhiệm hay thậm chí “chiều chuộng” quá mức của một bộ phận phụ huynh đối với con em mình nên “tạo điều kiện” cho những học sinh này vi phạm pháp luật TTATGT. Vì rất hiếm khi chúng ta thấy xảy ra trường hợp học sinh… lấy trộm xe máy cha mẹ đi học.
Thuốc đặc trị, tìm đâu?
Vậy các bậc phụ huynh kia không biết con em mình chưa đủ tuổi mà đã điều khiển xe máy là vi phạm luật pháp hay sao? Biết mà làm ngơ để con em phạm lỗi thì không còn gì để nói, còn nếu không biết phải cần xem xét lại công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT tại xã, phường, thôn, khối phố. Phải nhìn nhận thực tế rằng, lâu nay, công tác này tại nhiều địa phương dường như còn bỏ ngỏ; vai trò của mặt trận, đoàn thể và các tộc họ thật sự mờ nhạt.
Để giải quyết triệt để tình trạng học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa có Giấy phép lái xe điều khiển xe máy, ông Trương Khuê cho rằng, ngành giáo dục và đào tạo phải thực hiện quyết liệt Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT trong học sinh, sinh viên, tập trung vào các chủ đề “đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy”, “không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa có giấy phép lái xe”, “học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”,... Cũng theo ông Khuê, thiết nghĩ nhà trường và công an các địa phương cần theo dõi, xử lý triệt để một bộ phận học sinh sử dụng phương tiện xe máy đi học.
Tất nhiên, vai trò và trách nhiệm của gia đình vẫn là trên hết trong việc kiểm soát chặt chẽ “đầu ra”. Đối với chính quyền địa phương, mặt trận, đoàn thể, tộc họ phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngay cả phụ huynh dung túng cho con em mình vi phạm TTATGT. Nếu phụ huynh đó đang công tác tại đơn vị nào, lực lượng chức năng cũng nên thông báo cho thủ trưởng cơ quan đó biết nhằm giáo dục “tận gốc”. Tuy mất nhiều thời gian, nhưng cách xử lý kia rất cần thiết vì mang tính răn đe cao, đem lại hiệu quả giáo dục thiết thực cho cả người lớn và trẻ em, có như vậy các quy định của pháp luật TTATGT mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực.
Chinhpc (Theo atgtquangnam)

Phạm Công Chính

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)