Hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn Hà Nội: Tồn tại nhiều “điểm đen”

Thứ ba, 05/05/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trên nhiều tuyến quốc lộ (QL) đoạn thuộc địa phận Hà Nội và đường hướng tâm như các QL32, 1A, 21A, 21B, QL6, đường Láng - Hòa Lạc... lâu nay vẫn tồn tại tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) làm lều quán, xây nhà tạm, dựng biển quảng cáo, họp chợ cóc… thường xuyên gây ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT).

Trên nhiều tuyến quốc lộ (QL) đoạn thuộc địa phận Hà Nội và đường hướng tâm như các QL32, 1A, 21A, 21B, QL6, đường Láng - Hòa Lạc... lâu nay vẫn tồn tại tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) làm lều quán, xây nhà tạm, dựng biển quảng cáo, họp chợ cóc… thường xuyên gây ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT).

Cùng với ý thức người tham gia giao thông kém, việc quản lý lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn, nhất là trong những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua.

QL32 là một trong những "điển hình" của ùn tắc và mất ATGT. Ngay tại ngã ba Cầu Diễn (đoạn thuộc huyện Từ Liêm), hầu như ngày nào cũng ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Muốn qua được đoạn đường dài chỉ chừng hơn 1km từ Cầu Diễn đến Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, nhiều người phải mất cả tiếng đồng hồ len lỏi trong khói xe và bụi.

Tại địa bàn xã Lai Xá (huyện Hoài Đức), cùng với dự án cải tạo, mở rộng QL32 đang được triển khai, các hộ dân hai bên đường cũng khẩn trương xây dựng, sửa chữa nhà cửa. VLXD được tập kết đầy đường. Gạch, đá xếp cao đã che khuất tầm nhìn của người lái xe. Không ít vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân từ những chướng ngại vật này.

Lấn chiếm hành lang ATGT để họp chợ, làm lều quán bán hàng, tập kết VLXD cũng là thực trạng đang diễn ra hằng ngày trên QL6. Đoạn đi qua đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); đường Trần Phú, Quang Trung (TP Hà Đông) không ít địa điểm lấn chiếm vỉa hè làm nơi đỗ ô tô, xe máy. Những ngày vừa qua, rất nhiều người đi xe máy trên QL6 qua Ba La, Yên Nghĩa, Đồng Mai (TP Hà Đông) không đội mũ bảo hiểm, chở hàng hóa cồng kềnh.

Tại khu vực chợ Mai Lĩnh, người dân tràn ra hai bên đường, lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán, gây cản trở lưu thông của các phương tiện. Trên tuyến QL này thường xuyên có nhiều xe tải hạng nặng chở đất, đá nhưng che chắn sơ sài, làm cho đất, đá rơi vãi trên các đường phố Trần Phú, Quang Trung...

Dọc theo QL 21A nối TP Sơn Tây đến huyện Chương Mỹ và QL 21B nối TP Hà Đông với huyện Ứng Hòa cũng đang tồn tại hàng ngàn trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ... Trên nhiều tuyến đường, sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông đã gây tắc nghẽn giao thông.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng của thành phố như thanh tra GTVT, CSGT đã nhiều lần ra quân giải tỏa vi phạm lấn chiếm hè đường, hành lang ATGT trên địa bàn. Mỗi lần ra quân đều có hàng ngàn trường hợp vi phạm bị lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, chỉ được ít ngày, đâu lại vào đó.

Ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT HN thừa nhận: Sau khi giải tỏa, các tuyến QL đều được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Có tình trạng tái lấn chiếm tại một số nơi là do lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn lại rộng. Tuy nhiên, để thực sự có hiệu quả, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong công tác duy trì, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT chứ không thể chỉ dừng ở phối hợp mỗi khi thành phố và Sở GTVT tổ chức đợt cao điểm ra quân, xử lý…

Một cán bộ Đội CSGT - Công an huyện Thanh Trì bức xúc: Một số lãnh đạo xã dọc QL 1A có tâm lý phó mặc cho lực lượng CSGT và thanh tra GTVT. Lãnh đạo xã đã thế, nên các bộ phận chức năng càng thờ ơ. Trong nhiều cuộc họp giao ban, chúng tôi đều nêu vấn đề này, nhưng vẫn không thay đổi được là bao...

Một số ý kiến khác cho rằng, khó quản, khó dẹp, bởi từ lâu hành lang ATGT đường bộ đã trở thành "miếng bánh" với không ít xã, thị trấn. Không có sự buông lỏng, "bật đèn xanh" không ai dám lấn chiếm. Đã đến lúc cần phân định rõ trách nhiệm của các lực lượng liên quan và chính quyền địa phương. Thậm chí cần xem xét quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng mất ATGT trên các tuyến QL.

Các chuyên gia giao thông của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh, để hạn chế TNGT, nhất thiết phải tăng cường giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, nhất là trong lớp trẻ; các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cần nâng số giờ dạy về đạo đức người lái xe cho học viên. Cùng với đó, thành phố cần sớm quan tâm đầu tư nâng cấp mạng lưới hạ tầng, xóa "điểm đen".

ĐT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)