Xung quanh vấn đề mũ bảo hiểm bị biến tướng, không được dán tem kiểm định chất lượng đang được bán tràn lan trên thị trường, ông Đặng Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I, Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi trao đổi với phóng viên Chuyên mục “Theo bước chân người tiêu dùng”, Báo Tiếng nói Việt Nam.
* Thưa ông, những chiếc mũ bảo hiểm có vành có phù hợp với những tiêu chuẩn đã quy định?
Nhóm phóng viên đã đặt vấn đề làm việc với Đội quản lý thị trường số 5 về việc những chiếc mũ bảo hiểm vành cứng, không phù hợp với tiêu chuẩn quy định TVCN 5756:2001, đang được bán rộng rãi trên thị trường, ông Bùi Hữu Hoà, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5, cho hay: “Cái này là mới có, chúng tôi cũng mới đi kiểm tra nhưng không thấy...” (?). Ông Hoà lấy lý do, địa bàn quận Hai Bà Trưng rộng, hiện tại đội của ông cùng lúc triển khai 10 nhiệm vụ nên không phát hiện ra những chiếc mũ bảo hiểm này./.
|
Ông Đặng Tuấn Hùng:
Theo tôi, về mặt cơ sở pháp lý thì những chiếc mũ bảo hiểm có vành xung quanh như thế nằm ngoài tiêu chuẩn quy định TCVN 5756:2001. Hình dáng và kích thước của loại mũ bảo hiểm này, không phù hợp với hình dáng và kích thước của loại mũ bảo hiểm đã được quy định trong bản tiêu chuẩn hiện nay.
* Trung tâm đã từng kiểm định những chiếc mũ như thế này chưa?
Ông Đặng Tuấn Hùng: Chúng tôi chưa từng kiểm định những chiếc mũ bảo hiểm có vành nhựa cứng nêu trên.
* Ông nghĩ sao về vấn đề đảm bảo an toàn cho người sử dụng những chiếc mũ bị biến tướng ấy?
Ông Đặng Tuấn Hùng: Theo tôi, người sản xuất ra chiếc mũ bảo hiểm có vành chỉ mới để ý về mặt thẩm mỹ, vấn đề an toàn chưa được quan tâm. Bởi mũ bảo hiểm có hình dáng và kích thước như thế sẽ hạn chế tầm nhìn của người sử dụng. Trong bản tiêu chuẩn, về tầm nhìn đối với các loại mũ bảo hiểm, các góc nhìn là bao nhiêu, nhìn lên bao nhiêu, nhìn sang phải bao nhiêu, nhìn xuống bao nhiêu… đều đã quy định rõ ràng. Mũ bảo hiểm có vành sẽ gây ra cản gió khi người sử dụng lưu hành xe trên đường, mũ có thể lật ra đằng sau, lật ra đằng trước, lật sang phải, sang trái làm xô xệch chiếc mũ. Thậm chí, dây đeo sẽ thắt vào cổ gây khó chịu cho người sử dụng. Sẽ đặc biệt nguy hiểm, nếu vật liệu làm ra chiếc mũ đó không tốt, khi xảy ra tai nạn, phần vành sẽ va chạm đầu tiên, các mảnh vỡ sẽ bắn tung toé và găm vào mặt người sử dụng.
Tử vong vì đội mũ bảo hiểm “thời trang” |
Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2008, có đến 17 vụ tai nạn gây chấn thương nặng hoặc tử vong do người đi xe gắn máy đội mũ bảo hiểm kiểu mới, không đảm bảo chất lượng. Kết quả này vừa được Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường kỹ thuật 3 và Cảnh sát giao thông đường bộ Thành phố Hồ Chí Minh công bố./.
Theo Vnmedia, ngày 3/4/2008)
|
* Ông có khuyến cáo gì đối với nhà sản xuất và người sử dụng những chiếc mũ bảo hiểm không phù hợp này?
Ông Đặng Tuấn Hùng: Theo tôi, Nhà nước đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thì những nhà sản xuất, kinh doanh phải căn cứ vào đó để làm ra những chiếc mũ bảo hiểm phù hợp với tiêu chuẩn đã quy định. Những chiếc mũ bảo hiểm phá cách như thế không nên làm.
Tại nhiều nước có nền công nghệ phát triển, tôi vẫn chưa thấy họ sử dụng loại mũ như thế. Mũ bảo hiểm vành cứng mới chỉ có ở Việt Nam, trong khi hiện nay dù ở Việt Nam hay nước ngoài, tất cả các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về chất lượng, kiểu dáng mà các cơ quan chức năng đã quy định./.