TÌNH TRẠNG LẤY CẮP BIỂN BÁO GIAO THÔNG - CẦN KỊP THỜI NGĂN CHẶN

Thứ sáu, 21/12/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian gần đây trên quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông (QT), đoạn từ cầu Khe Đôi đến cầu Nghẹo-Đèo Ngang, liên tiếp xảy ra các vụ lấy cắp biển báo giao thông. Qua kiểm tra có 4 cụm biển báo bằng nhôm do Dự án PMU 01 thiết kế đã bị kẻ xấu tháo dỡ lấy đi. Một người dân địa phương cho biết, lợi dụng thời điểm đường vắng chúng thường tháo vào ban đêm, chừng 2-3 giờ sáng, tháo xong chúng đem đốt cháy bề mặt rồi nhập phế liệu.
Thời gian gần đây trên quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông (QT), đoạn từ cầu Khe Đôi đến cầu Nghẹo-Đèo Ngang, liên tiếp xảy ra các vụ lấy cắp biển báo giao thông. Qua kiểm tra có 4 cụm biển báo bằng nhôm do Dự án PMU 01 thiết kế đã bị kẻ xấu tháo dỡ lấy đi. Một người dân địa phương cho biết, lợi dụng thời điểm đường vắng chúng thường tháo vào ban đêm, chừng 2-3 giờ sáng, tháo xong chúng đem đốt cháy bề mặt rồi nhập phế liệu.
    Sau khi kiểm tra, phát hiện và làm mới bằng tôn, ngày 16/12/2007 tổ công nhân thuộc Đoạn Quản lý đường bộ 1 Quảng Trạch đã tiến hành lắp đặt lại cả 4 biển báo nói trên. Được biết để làm mới một biển báo, ngoài tiền vật liệu, tiền công sản xuất và lắp đặt, riêng bề mặt phản quang là 1triệu đồng/1m2, thế nhưng chúng chỉ bán phế liệu với giá rẻ mạt, mỗi cân nhôm 30 nghìn, mỗi cân sắt 10 nghìn đồng mà thôi. Do đòi hỏi phải có đồng tiền để thoả mãn mọi nhu cầu của bản thân, chúng đã bất chấp mọi quy định của pháp luật, mà không biết đến hậu quả, tác hại do mình gây ra, hoặc có biết nhưng trước ma lực của đồng tiền bất chính chúng đã nhắm mắt cố ý làm liều.
    Trong khi cùng cả tổ đang lắp đặt lại biển báo ở cầu Khe Đôi, một công nhân nói: “Chúng tôi quản lý từ Đèo Ngang đến Đèo Lý Hoà nhưng không ở đâu có tình trạng này”. Theo ông, cùng với trách nhiệm quản lý của Đoạn, mọi người nói chung cần phải có ý thức bảo quản, đặc biệt là sự phối hợp trách nhiệm của chính quyền các địa phương thì mới có thể khắc phục được.
    Qua thực tế trên, có lẽ không riêng ý kiến của người công nhân, mà mỗi chúng ta cũng cần đồng tình lên tiếng. Không thể chấp nhận với hành vi tham lợi cho riêng mình mà phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản quốc gia. Hành vi nói trên được quy định tại khoản c, điểm 3, điều 18 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, hành vi tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm sai mục đích sử dụng hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền từ 500.000 đến 1triệu đồng. Ngoài ra còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Chúng ta đang nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện, thì trách nhiệm phối hợp giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông của các ngành, các địa phương cần được quan tâm hơn.
    Thực trạng xảy ra ở Quảng Đông, tuy chưa có thể nói thủ phạm là ai? Ở đâu đến? Nhưng đó là hành vi cần kịp thời ngăn chặn, kẻ xấu cần phải được phát hiện, xử lý để giáo dục chung. Đã đến lúc chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng của địa phương cần ra tay vào cuộc, cùng với cơ quan quản lý nhà nước góp phần bảo vệ sự bình yên cho những tuyến đường.                 
                                                                              Nguyễn Tiến Nên
                                                          Cảnh Dương-Quảng Trạch-Quảng Bình

Nguyễn Tiến Nên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)