Tại vì xã hội xáo trộn quá nhiều. Và vì xã hội hổn loạn nên cái gì trong xã hội đó cũng cùng quay theo một nhịp điệu, cũng cùng hổn loạn như nhau. Không những Giao Thông thôi, mà ở hầu hết mọi lãnh vực khác: xì ke ma túy, đĩ điếm, tham nhũng, nghị trường, thương mại, văn hóa, đạo đức, tôn giáo,… tóm lại là mọi mặt.
Người gửi:
Minh Vinh
E-mail:
t_hanhthuc@gmx.net
Ngày: Thứ tư, 11/07/2007
(Giao thông tại Việt Nam, một vấn đề trong mọi vấn đề II)
Nhân một bản tin của thông tấn VN sau đây, tôi sẽ phân tích tình hình và đưa ra biện pháp để giải quyết rốt ráo vấn đề nầy:
Sáu tháng, gần sáu ngàn người chết vì tai nạn giao thông
HÀ NỘI - “Trong sáu tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 6,202 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 5,663 người chết, làm 4,808 người bị thương.” Bản tin hãng thông ấn chính thức của Hà Nội cho hay như vậy trong ngày 28 Tháng Sáu, 2007. Tính ra, mỗi một ngày có hơn 31 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam. Theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc, ước tính thiệt hại tài chính đối với các tai nạn giao thông ở Việt Nam khoảng $900 triệu mỗi năm.
Theo nguồn tin trên, so với cùng thời gian này của năm 2006 thì “tăng 303 người chết, giảm 196 người bị thương, số vụ tai nạn giao thông đường bộ giảm 30 vụ”. Một trong những đặc điểm ở Việt Nam là “tình trạng xe khách chở quá số người quy định, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn xảy ra phổ biến” chưa kể tới chuyện say rượu lái xe rất phổ biến nhưng luật lệ không mấy nghiêm ngặt. “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông còn rất kém. Mặc dù công tác tuyên truyền về “an toàn giao thông” vẫn liên tục được phổ biến hàng ngày, hàng giờ, trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng: ti-vi, radio, báo chí... nhưng dường như nó vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhà chức trách cũng như chưa thực sự tác động mạnh vào mọi tầng lớp nhân dân. Cũng còn một số lý do khác như chế tài xử phạt còn kém, chưa đủ sức răn đe, số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh...”
Nguồn tin trên nói. Vì tai nạn giao thông xảy ra quá nhiều, nhà cầm quyền trung ương đã từng buộc người chạy xe gắn máy đội mũ an toàn (Việt Nam gọi là mũ bảo hiểm) trên các tuyến đường đông xe ở một số thành phố lớn. Tuy nhiên lệnh này không được thi hành nghiêm chỉnh. Mới đây, ngày 26 Tháng Sáu 2007, báo Tuổi Trẻ loan tin Bộ Giao Thông Vân Tải Cộng Sản Việt Nam chuẩn bị đưa ra trong Tháng Bảy một nghị quyết về an toàn giao thông. Theo đó, kể từ giữa Tháng Mười Hai 2007 “bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường.”
***
Ý kiến:
Đây là một thảm nạn. Thảm nạn này ngày một gia tăng bởi vì xã hội đang phát triển (và phát triển mạnh), nhịp sống sẽ nhanh hơn, sinh hoạt sẽ xô bồ hơn, xe cộ sẽ nhiều hơn và… tai nạn giao thông sẽ tăng lên. Phải cấp bách giải quyết vấn đề nầy không được chần chờ. Mới đây tôi có viết một bài „Giao thông tại Việt Nam, một vấn đề trong mọi vấn đề“ đã đăng trên website của bộ Giao Thông Vận Tải mục Diễn đàn hiến kế về Giải-Pháp giao-thông (1). Để giải quyết vấn đề nầy, tôi xin có ý kiến như sau:
Thật ra những biện pháp trên (đội mũ bảo hiểm, chế tài cho nặng, kêu gọi người dân có ý thức trách nhiệm giao thông…) chỉ là những biện pháp mơ hồ, nửa vời. Tại sao?
Vấn đề chánh của Việt Nam là Hổn Loạn Giao Thông.
Phải tìm hiểu trước hết: Tại sao có sự hổn loạn; và Biện pháp giải quyết sự hổn loạn đó?
1/ Tại sao có sự hổn loạn?
Tại vì xã hội xáo trộn quá nhiều. Và vì xã hội hổn loạn nên cái gì trong xã hội đó cũng cùng quay theo một nhịp điệu, cũng cùng hổn loạn như nhau. Không những Giao Thông thôi, mà ở hầu hết mọi lãnh vực khác: xì ke ma túy, đĩ điếm, tham nhũng, nghị trường, thương mại, văn hóa, đạo đức, tôn giáo,… tóm lại là mọi mặt.
Trong những năm tháng vừa qua, xã hội VN đã bị xáo trộn quá nhiều, làm ảnh hưởng đến tâm tư và tình cảm của người dân. Chiến tranh chấm dứt một cách quá đột ngột vội vàng trong sự sụp đổ tức tưởi của miền Nam; đất nước thống nhất trong sự kèm kẹp sắt máu của người Cọng Sản; đánh tư sản mại bản; học tập cải tạo; kinh tế mới; dân đói khổ không đủ ăn; vượt biên vượt biển; rồi, đùng một cái, cọng sản sụp; thời đại đổi mới; hội nhập với thế giới tư bản… Xáo trộn. Thay đổi nhanh như chong chóng!
Vì xáo trộn quá nhiều nên những cơ sở vật chất và giá trị tinh thần không được củng cố phát triển mà lại còn bị hủy diệt (về tinh thần như mất niềm tin, đạo đức văn hóa suy đồi…; về vật chất như cả hệ thống xe buýt miền Nam trước năm 1975 đã bị đánh sụp, sau khi người Cộng Sản vô đánh tư sản mại bản…).
Chính điều nầy đã gây nên một lỗ hổng rất lớn trong nền tảng hệ thống guồng máy vận hành của xã hội. Trong khi đó, đất nước dĩ nhiên không dậm chân tại chỗ, phải đi lên, mà còn đi lên dữ dội phát triển về mọi mặt khi được cỡi trói, hội nhập với thế giới văn minh.Từ đó đẻ ra một nghịch lý là: trên thượng tần kiến trúc thì cứ vun vút lao tới, mà dưới hạ tầng cơ sở thì đứt đoạn, lỏng lẻo, èo ụt, vỡ vụn... Hổn loạn lại càng hổn loạn. Cái nầy chưa giải quyết xong đã chồng lên cái kia. Như một ổ tơ vò, chồng chất lên nhau. Rối mù!
2/ Biện pháp giải quyết:
Như đã trình bày trong bài „Giao thông tại VN, một vấn đề trong mọi vấn đề“ (ghi chú: đã được bộ Giao Thông Vận Tải lưu ý và đài VOA đồng tình, phỏng vấn và phát về VN vào lúc 20g tối thứ bảy 02-6-2007 và 5g30 sáng chủ nhật 03-6-2007) (2), cần phải vận dụng trí tuệ và tấm lòng của mọi người mới mong vượt qua được vấn đề có tính cách toàn diện lớn lao nầy.
Về phương diện tinh thần: xây dựng lại niềm tin trong dân chúng qua một chính quyền thật vững mạnh, lo cho phúc lợi của người dân; củng cố văn hóa đạo đức bị suy mòn (thông qua tôn giáo, „chùa là cái thiện của làng“ mà)…
Về phương diện vật chất: củng cố, kiện toàn những cơ sở công cọng nhà thương, trường học, đường xá, phương tiện giao thông…
Về vấn đề nầy, rối loạn giao thông, có hai việc chính cần phải làm là:
- Trước hết, lo giải quyết vấn đề cơ sở: thiết lập kiện toàn lại hệ thống xe buýt, nâng đở xe Lambretta 10, 12 chỗ ngồi chạy với mọi giờ giấc trên khắp các tuyến đường khu phố. Tạo mọi dễ dàng cho dân xử dụng.
- Kế đến, hạn chế tối đa xe Honda 2 bánh, bằng cách đóng thuế thật nặng (sau khi đã có phương tiện lưu thông công cọng đầy đủ rồi), và có thể cấm không cho chạy trong 2 thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội (như thủ đô Yangon của Miến Điện và Bắc Kinh của Trung Quốc đã làm). Cấm tuyệt đối không cho tài xế xe thồ, sinh viên học sinh, công nhân xử dụng Honda 2 bánh.
Khi vấn đề đã tạm thời lắng dịu, xe cộ đã bắt đầu thưa thớt có thể kiểm soát nỗi, lập tức đưa hệ thống công an trật tự giao thông vào. Vùng lên, nắm chủ tình hình! Muốn giải quyết bất cứ một vấn đề gì, trước hết phải „làm chủ cho được tình hình“ thì mới đối phó được những diễn biến phức tạp và đưa nó vào trật tự theo ý mình mong muốn. Lúc đó mới có thể bắt người dân làm theo ý mình. Như là bắt đội nón bảo hiểm, bắt chạy bên tay mặt cấm chạy bên tay trái, bắt có đèn ban đêm, cấm bóp còi inh ỏi, bắt...v.v.. và ..v.v…
Đó, cái hướng đi là như thế. Phải có thời gian, từ từ từng bước một.
Vấn đề không đơn giản (một vấn đề trong mọi vấn đề mà!), cần có sự tiếp tay giúp đở cọng tác của mọi người mọi nghành mọi giới. Phải hợp tác cùng làm thì mới mong vận dụng hết trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt là nên tránh bất cứ mọi hình thức gây xáo trộn xã hội nào. Tránh mọi hình thức gây hổn loạn mất trật tự gây „dị ứng“ cho con bệnh VN. Vì như thế sẽ làm cho bệnh nhân trầm trọng thêm lên. Những ai kêu gọi đấu tranh, gây xáo trộn bất an trong quần chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng xã hội hổn loạn, văn hóa đạo đức băng hoại suy đồi hiện nay tại VN!
(1)„Giao thông tại Việt Nam, một vấn đề trong mọi vấn đề“
http://www1.mt.gov.vn/ykienatgt/default.asp?param=category&catid=19&subcatid=&ArticleID=2009
Hoặc vào website của khoahoc.net sau đây: http://khoahoc.net/baivo/minhvinh/260407-giaothongvietnam.htm (đã bị „kiểm duyệt“)
(2) xin vào đây để nghe đài VOA phỏng vấn:
http://www.voanews.com/vietnamese/2007-06-04-voa20.cfm