Người gửi: Nguyễn Trung.
Email: nguyentrung@hn.vnn.vn
Nói về an toàn giao thông, ai nấy đều bức xúc, bởi vì “chuyện không của riêng ai”. Tôi chỉ là người dân bình thường, không thể góp ý về mặt chiến lược, hay có những giải pháp lớn... mà chỉ xin góp ý những ý nhỏ, những điều mà mắt thấy, tai nghe thấy chưa thỏa đáng, và đã làm tôi nảy sinh những cách nhìn và cách giải quyết:
- Ý thức giao thông của dân ta kém lắm, phải nói là rất kém. Tôi để ý ở một ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, cứ 10 người thì lại có khoảng 2-3 người vượt đèn đỏ (cố tình chứ không phải đãng trí đâu!), nhất là khi không có cảnh sát viên đứng đó. Người đi bộ cũng khá tùy tiện, bạ chỗ nào cũng sang đường, kể cả khi có đèn đỏ cho người đi bộ. Chuyện này thiết nghĩ có nguyên nhân của nó. Một thời gian ta đã buông lỏng việc thực hiện luật về an toàn giao thông. Lại thêm kiểu làm việc theo phong trào, hết “phát động” đến “ra quân”, tuyên truyền ầm ĩ, rầm rộ được một thời gian, đến khi phong trào lắng xuống thì đâu lại vào đấy.
Kiến thức luật GT của dân ta rất kém. Có nhiều người không hiểu ý nghĩa của những vạch sơn liền và đứt trên được là gì, qui tắc vượt, tránh xe bên phải, bên trái như như thế nào cũng không biết. Hoặc cũng có thể không ít người biết, nhưng đơn giản là họ không chịu chấp hành bởi thói tùy tiện đã quen.
- Dân ta có một tâm lý rất lạ: Mỗi khi tắc đường, biết là không đi được cũng chen lên, có kẽ hở nào là lấn lên cho bằng được. Hơn kém nhau một đầu xe là không chịu được rồi. Tôi đọc báo thấy bạn nước ngoài nào đó coi đây là thể hiện của “sức sống mãnh liệt”... ?! Riêng tôi cho đây chỉ là thứ sức sống mông muội, hoang dã của một xã hội kém văn minh mà thôi.
- Một thời gian, cảnh sát của ta chỉ làm nhiệm vụ “đuổi chợ”, dẹp những người buôn thúng bán bưng, giải quyết những vụ tai nạn giao thông khi đã xảy ra rồi. Còn đối với những vụ vi phạm an toàn giao thông, phải nói hình phạt vi phạm là quá nhẹ, dăm ba chục ngàn không đủ sức răn đe. Lại còn chuyện tiêu cực trong giới cảnh sát nữa chứ. Chỉ cần có “Bác Hồ phù hộ” thì những vi phạm nho nhỏ kia đều “xin” được hết. Kể cả những nhân viên trong ngành công an, nhiều người không làm gương, điềm nhiên vi phạm luật giao thông. Thế là tất cả mọi người “đường ta ta cứ đi”, mạnh ai nấy đi.
- Xe máy bây giờ không phải là thứ xa xỉ hay món đồ chơi quá đắt tiền nữa. Bất kì ai chỉ cần tích cóp được dăm ba triệu là có thể sắm xe máy. Mà đâu phải loại phân khối nhỏ!! Ít ra cũng phải trên 100 cm3. Thế là “bùng nổ xe máy” ở các đô thị. Nhưng thử hỏi những người ngồi xe ấy, bao nhiêu người có bằng lái, bao nhiêu người được học luật giao thông? Mà cho dù đã học luật giao thông, khi vắng bóng cảnh sát người ta vẫn có thể vượt đèn đỏ như thường. Tôi để ý nhiều vụ vi phạm rơi vào lứa tuổi 14-15 cho đến 26-27 tuổi, nhưng cá biệt cũng có những người lứa tuổi lớn hơn vi phạm. Lại còn những cậu công tử choai choai con nhà giàu phóng ào ào trên những chiếc xe đắt tiền, chơi trò xiếc ngóc đầu xe lên, coi chuyện phạm luật, trêu chọc cảnh sát giao thông là hành động anh hùng, là sự thể hiện mình. Nhưng cũng rất đáng trách là những người xung quanh không tỏ thái độ phê phán nhắc nhở, hành động như vậy có khác nào dung túng cho việc vi phạm đó.
- Việc bán hàng trên vỉa hè lòng đường: dân ta nhiễm thói tùy tiện đã quen, chợ cóc, chợ tạm thi nhau mọc lên. Nói đến chuyện này tôi thấy cảnh sát của ta mới chỉ phạt những người bán hàng, chứ không đả động đến người mua hàng. Thiết nghĩ như vậy là một chiều. Trên thị trường, có “cầu” thì có “cung”. Người ta không chịu vào chợ mua hàng mà cứ tìm hàng ở lòng đường, vỉa hè cho “tiện”, thì tội gì người bán hàng lại cứ ngồi ở chợ cho ế. Vậy là người ta xông ra cho bằng được, bất chấp luật pháp đã cấm. Theo tôi, đứng về luật lệ giao thông, thì không chỉ người bán hàng vi phạm, mà cả người mua cũng vi phạm. Vậy mà chỉ phạt người bán là cớ làm sao, phải phạt cả hai.
- Tín hiệu giao thông đã khá nhiều ở các nút giao thông. Thế nhưng thời lượng cho các loại đèn ở một số nút (chỉ khoảng 20 – 30 giây, có nơi chỉ 15 giây) chưa hợp lí, nhất là vào giờ cao điểm. Kể cả những tuyến đường đông như ngã tư Nguyễn Thái Học với Nguyễn Lương Bằng và Chu Văn An. Đặc biệt thời lượng này không đủ cho người đi bộ, trong đó có cả những người khuyết tật, qua đường. Tôi đề nghị thời lượng cho đèn hiệu nên tỉ lệ thuận với chiều rộng của nút giao thông, tức là chiều dài mà phương tiện giao thông mà người đi bộ cần phải đi để băng qua nút này. Đường lớn, thời lượng có thể trên 60 giây, đường nhỏ có thể 30 giây.
- Gần đây tôi nghe nói đến việc sẽ nghiêm cấm và tịch thu những xe tự chế, trong đó chắc chắn sẽ có cả xe của những người khuyết tật và thương binh nặng. Tôi không nói đến những người giả danh thương binh, mà muốn nói đến những người thương binh, những người khuyết tật thật sự, đang phải vất vả vượt qua tật bệnh của mình để bươn chải trong cuộc mưu sinh. Đa số những người khuyết tật đều nghèo, và không phải tất cả đều có thể tìm được những việc làm thích hợp. Nhiều gia đình chỉ còn trông cậy vào chiếc xe chở hàng là nguồn thu nhập chính. Nếu cấm đi thì thử hỏi họ sẽ sống bằng gì? Và việc cấm đoán tịch thu đó có hợp với tinh thần nhân đạo mà Đảng và Nhà nước đã chủ trương hay không? Lại câu hỏi nữa, ta thử tính xem số vụ tai nạn giao thông do những xe tự chế đó gây ra là bao nhiêu, từ đây có thể thấy chủ trương cấm này không khoa học, không hợp lý chút nào.
-Về việc này còn một ý kiến nữa dành cho các cấp chính quyền: đã từng có chủ trương không cấp bằng lái cho những người khuyết tật, với một ngàn lẻ một lí do, và không phải lí do nào cũng chính đáng. Trong khi thực tế người khuyết tật vẫn có nhu cầu đi lại như tất cả mọi người, trong đó nhiều người có thể điều khiển phương tiện giao thông “ngon lành”. Thế là rốt cuộc những người khuyết tật bị biến thành những người sử dụng phương tiện giao thông bất hợp pháp. Nếu anh em cảnh sát thương tình lơ đi thì “được nhờ”, còn như họ bắt theo “đúng luật pháp”, thì đành “chịu chết”, thậm chí mất xe, lâm vào tình cảnh khó khăn.
- Còn điều này nữa, những xe tự chế thì cấm, còn những xe nhập của các nước, hay của những cơ sở trong nước sản xuất thì có cấm không? Rõ ràng chủ trương này còn cần phải nghiên cứu nhiều. Kiến nghị trước mắt là: 1) Cần có chủ trương cho những người khuyết tật có nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân (bởi nhiều người không thể sử dụng được phương tiện công cộng, đi tăcxi vì quá đắt đỏ và xe buýt thì không thể tiếp cận được cho xe lăn) học luật giao thông, thi lấy bằng lái. 2) Nên có cơ sở kiểm định chất lượng và tính an toàn của những phương tiện tự chế hoặc do các cơ sở trong và ngoài nước chế tạo và cấp giấy phép lưu hành.
- Nhìn chung cách giải quyết vấn nạn giao thông hiện nay của ta ở các đô thị vẫn nặng về những giải pháp tình thế là chính, thiếu sự đồng bộ, thiếu cân nhắc kĩ lưỡng và điều chính yếu là thiếu những kiến thức lớn về chiến lược qui hoạch giao thông trong đô thị. Điều đó dẫn đến tình trạng những đoạn nút giao thông cải tạo rồi lại dỡ bỏ, gây lãng phí lớn; rồi những dự án cấm xe xich lô, xe máy tự chế, xe ba bánh... gây khó khăn rất lớn cho người dân; rồi dự tính cấm xe máy ở tuyến phố này nọ, xe “số chẵn – ngày chẵn, số lẻ, ngày lẻ” gây hoang mang không cần thiết và nhất là gây tâm lý mất tin tưởng ở người dân, dẫn đến tâm lý nhờn pháp luật.
- Vấn đề ATGT không thể làm theo cách hiện nay: những giải pháp rời rạc, không gắn kết với nhau, hiện tượng chính quyền không làm gương cũng rất phổ biến.... Mà ATGT đang thiếu một lộ trình, đó là: Tư duy-nhận thức + kiến thức-văn bản pháp luật + hành động thực tế + Kiểm tra giám sát, thưởng-phạt + Tổng kết đánh giá + nâng cao tầm nhận thức, tư duy (một vòng xoáy ốc biện chứng giữa các vấn đề).
- Cần có tư duy khác đi: phải coi vấn đề ATGT là vấn đề kinh tế - xã hội, không phải chỉ riêng ngành giao thông và công an... Đây là vấn đề phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành với nhau, giữa cơ quan chức năng với những người dân, giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, giữa nông thôn và thành thị, v.v... Người dân phải coi vấn đề này là của mình lẫn của xã hội, đó là vấn đề chung của cả cộng đồng, mỗi người dân phải ý thức được rằng khi đi xe trên đường không chỉ có mình và còn có người khác.
- Nâng cao kiến thức về luật GT và ATGT: Luật phải cụ thể, nghiêm khắc và phải đủ răn đe, nhưng cũng phải có bao dung, mỗi khi người dân vi phạm nên có những hình thức xử thích đáng: có những vụ do vô tình có thể nhắc nhở, phạt để nhớ; có vụ do cố tình, hay biết mà vẫn vi phạm phải phạt thật nặng, thậm chí tịch thu phương tiện. Cần phải phổ biến luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, in thành sách phổ biến trong dân hoặc trên mạng Internet.
- ATGT phải thường xuyên, ráo riết, không thể theo kiểu phong trào, “chiến dịch”, “ra quân”... như những năm qua ta vẫn làm, để rồi chỉ được vài tháng, rồi đâu lại vào đấy. Nói vậy không phải tôi phủ nhận vai trò của phong trào. Phong trào là cần, nhưng “phát” rồi phải có “động”, và phải có biện pháp “giữ lửa” cho bền lâu.
- Tôi thấy ta cần học tập cách tổ chức giao thông của các nước tiên tiến, nhất là Mĩ. Tôi có dịp qua Mĩ, ý thức giao thông của người dân quả là đến mức gần như tự giác. Dọc đường không thấy cảnh sát giao thông đâu cả, chẳng biết họ theo dõi cách nào, nhưng cứ đỗ xe sai chỗ một cái thử xem, lập tức 5 phút sau đã có xe cảnh sát đến “hỏi thăm” rồi. Ở bên ta dạo này cảnh sát đứng “đầy đường” (khổ cho anh em quá!), thế mà vẫn không giảm được số vụ vi phạm giao thông. Vậy thì làm thế nào để kiểm soát được? Thiết tưởng không cần phải nhiều cảnh sát đứng ngoài đường như vậy. Tôi thấy đầu đường nhiều đoạn phố có gắn camera theo dõi, đó là những phương tiện khá hữu hiệu để theo dõi, lập biên bản xử phạt và gửi đến người vi phạm. Nếu họ không chấp hành, lần thứ 1, thứ 2, thứ 3... sẽ có biện pháp mạnh hơn. Muốn làm được như vậy ta nên có những qui định pháp lý rõ ràng, rành mạch về việc này, và phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, trường học.
- Nên chế độ đãi ngộ thích hợp cho các chiến sĩ cảnh sát, nếu không sẽ xuất hiện những tiêu cực: hoặc là thờ ơ không bắt lỗi vi phạm GT, hoặc bắt tràn lan gây nhiều bức xúc trong nhân dân, hoặc kín đáo ăn hối lộ. Nên cho anh em giữ lại một phần số tiền phạt làm quĩ thưởng cho những ai làm việc tốt, hoặc làm quĩ bồi dưỡng độc hại, làm ngoài giờ, v.v...
- Ta nên tổ chức rà soát lại những người có phương tiện giao thông: đề ra qui định những ai ngồi sau tay lái của xe trên 100 cm3 đều phải có bằng lái; sau đó tổ chức những cuộc học luật giao thông, thi lấy bằng của những ai có nhu cầu, kể cả những người có nhu cầu đi xe nhưng chưa có đủ tiền mua xe. Số tiền thu được có thể dùng để chi vào bảo dưỡng đường sá hay bồi dưỡng cho cán bộ ngành giao thông.
- Việc xử phạt vi phạm luật GT hiện nay là quá nhẹ. Nên tăng mức phạt hiện nay, những ai do vô tình mắc lỗi (đãng trí, quên nhìn đèn tín hiệu) có thể châm chước, những ai cố tình vi phạm phải phạt thật nặng, mức phạt trên 200000 VND, người có bằng lái, tức là đã được học, được biết phải phạt nặng hơn, trường hợp tái phạm phải phạt gấp đôi, gấp ba, có thể bị giữ xe có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
- Còn về vấn nạn học sinh phổ thông đi xe máy hiện nay, theo tôi nên giải quyết như thế này: Mỗi trường mỗi lớp đều có ban phụ huynh học sinh. Cơ quan hữu quan và Nhà trường nên cho họp ban phụ huynh các lớp, phổ biến những qui định pháp luật về ATGT; phải khẳng định những qui định đó là qui định pháp luật, mọi công dân phải chấp hành, không có ngoại lệ, sau đó cho các phụ huynh học sinh làm bản cam kết không cho con em mình sử dụng xe máy bừa bãi, và phải chấp nhận những hình phạt nặng nếu vi phạm: từ phạt tiền đến bị tịch thu phương tiện.
Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng tai nạn giao thông ở VN sẽ giảm bớt. Đương nhiên ban đầu làm việc này không dễ, sẽ có nhiều người phản đối, nhưng nếu ta khẳng định thói quen tùy tiện trong tham gia giao thông là thói quen xấu, vi phạm pháp luật, và buộc mọi người phải khắc phục thói quen này vì lợi ích chung, thì lâu dần sẽ tạo được nếp tốt và giảm được tai nạn giao thông về lâu về dài.