Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy

Thứ hai, 24/10/2016 07:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đang mùa mưa lũ, hoạt động giao thông đường thủy ở một số nơi trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Anh 1

Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy tại Bến Than mỗi mùa lễ hội

Liều lĩnh, tự phát

Tại Bến Than (thôn Hải Cát Hạ, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), tuy có vắng hơn dịp lễ điện Huệ Nam, nhưng một số đò ngang chở khách du lịch, phục vụ đi lại người dân trong vùng, vẫn hoạt động và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: “Tại khu vực Bến Than, có 6 phương tiện đò ngang đều đăng ký, đăng kiểm, đầy đủ. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở thực hiện nghiêm quy định mặc áo phao cứu sinh, chở đúng số người quy định (12-17 khách/chuyến), nhưng một số chủ thuyền vẫn không thực hiện hoặc thực hiện một cách đối phó”. Theo ông Nguyên, vào mỗi mùa lễ hội điện Huệ Nam (tháng 3, 7 AL), mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh tiến hành tuần tra, kiểm soát, nhưng tình hình chở khách quá số lượng, không đảm bảo các quy định an toàn giao thông (ATGT) đường thủy vẫn diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã buộc các chủ thuyền ký cam kết, đảm bảo ATGT khi hoạt động tại bến bãi này.

Anh 2

Du khách chen lấn, không mặc áo phao, thuyền chở vượt số người quy định

Tại bến đò Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), những ngày mưa lớn kèm gió to như hiện nay, hoạt động đưa đón khách qua về bến đò Vĩnh Tu (xã Quảng Ngạn), thật “chông chênh”. Các thuyền phục vụ chở khách qua lại khu vực này thường chở thêm hàng hóa, các phương tiện xe máy nên nguy cơ mất ATGT đường thủy rất cao. Ông Nguyễn Quý, người lái đò ngang số hiệu TTH- 0219, cho biết: “Trước đây tại bến đò này có 8 phương tiện chuyên chở khách là cán bộ, học sinh và một bộ phận bà con buôn bán qua về các xã Quảng Ngạn, Quảng Lợi. Đến nay, 4 thuyền đang kiểm định lại, chỉ còn 4 thuyền phục vụ khách, các lái thuyền đều có chứng chỉ đường thủy đầy đủ. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nên phải đảm bảo an toàn cho khách mới hoạt động”. Tuy nhiên, ngồi đợi tại bến đò Cồn Tộc đến chiều, thuyền ông Quý chở khá nhiều khách nhưng chẳng ai được nhắc nhở mặc áo phao cứu sinh. Nhiều học sinh, bà con buôn bán ngồi “tùy thích” trên thuyền, mặc dù trời chiều trên phá Tam Giang gió to sóng lớn! Cũng theo quy định, vào mùa mưa trên đò ngang cần có hai người để đảm bảo an toàn cho khách nhưng nhiều chuyến đò ngang ở Cồn Tộc cũng chỉ có duy nhất một lái thuyền.

Cũng tại một số địa phương nằm ven phá Tam Giang, hiện nay đang xuất hiện loại “thuyền du lịch tự phát”. Các thuyền này vốn là thuyền làm nghề của ngư dân trên phá, khi du khách có nhu cầu dạo chơi trên đầm phá thì họ sẵn sàng dùng thuyền đưa, đón khách trên đầm phá có thu tiền. Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: “Vừa qua, lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương đã đình chỉ 2 thuyền du lịch kiểu tự phát của các chủ nhà hàng ven bến đò Cồn Tộc. Các thuyền tự phát kiểu “3 không” (không chứng chỉ đường thủy, không thiết bị cứu sinh và thuyền không đăng ký đăng kiểm) hoạt động tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy rất cao”.

Tăng cường kiểm soát

Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 3 điểm mất ATGT đường thủy là ở khu vực Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Cồn Tộc (huyện Quảng Điền) và lòng hồ thủy điện. Ở những khu vực như Lăng Cô, Cồn Tộc, đây là thuyền làm nghề của ngư dân, được chủ thuyền tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng sang thuyền du lịch chở du khách tự phát tới các điểm tham quan trên đầm phá, có thỏa thuận thu tiền của khách; ở thủy điện thì thuyền đuôi tôm chở khách sâu vào trong lòng hồ.

Việc kiểm soát thực trạng này khó khăn, trách nhiệm chủ yếu thuộc chính quyền địa phương ở khu vực đó và chủ lòng hồ. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, buộc các chủ thuyền này ký cam kết không chở khách vi phạm, không hành nghề khi chưa có đủ các điều kiện, quy định về ATGT đường thủy. “Các thuyền “3 không” này khi chạy chở khách mình mới biết, trong khi lực lượng TTGT chỉ bắt giữ tại bến, không có phương tiện để tra tuần tra, xử phạt. Có khi bắt quả tang chở khách thì họ bảo là… chở người nhà đi công việc. Để quản lý, kiểm soát loại phương tiện tự phát này cần có sự chung tay của chính quyền địa phương. Lực lượng thanh tra lập biên bản, tịch thu phương tiện rồi giao cho địa phương xử lý”, ông Nam nói.

Ông Nam cho biết thêm, trước mùa mưa bão, lực lượng TTGT thường xuyên tiến hành kiểm tra toàn diện các cơ sở có bến bãi hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, kiểm tra nghiêm giấy phép lái tàu thuyền, thiết bị cứu sinh, cứu đắm và PCCC, tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm cũng như các thủ tục xuất bến, danh sách hành khách, hợp đồng vận chuyển đối với thuyền du lịch, thuyền vận tải nói chung.

Trung tá Lê Viết Sơn, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh khẳng định: Trước mùa mưa bão, lực lượng CSGT đường thủy thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát các bến, bãi; kiểm tra toàn bộ giấy phép hoạt động cũng như hạn kiểm định các phương tiện; yêu cầu chủ các bến bãi ký cam kết không vi phạm các quy định ATGT đường thủy nội địa, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo trung tá Sơn, ngoài sự phối hợp của các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương, điều “cốt lỗi” là cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. 

xuannguyen

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)