Để có thêm thu nhập cho cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhiều tài xế đã chấp nhận chạy tăng chuyến, tăng giờ. Do chạy cự ly đường dài, cầm lái liên tục không nghỉ ngơi, tài xế rất dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ. Đây cũng chính là nguyên nhân đã dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc.
Xe bồn chở xăng dầu tông sập 2 ki ốt trên đường 30-4, TP.Vũng Tàu vào ngày 9/5/2018
do tài xế ngủ gật.
Theo anh Lê Văn Dũng (một tài xế lái xe tải nhiều năm - ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu), nếu điều khiển xe đi nhiều giờ liên tục sẽ rất mệt mỏi và buồn ngủ. Khi đó, tài xế nên dừng xe lại nghỉ ngơi để chấm dứt cơn buồn ngủ. “Buồn ngủ là phản xạ tự nhiên của cơ thể, cố chống lại cũng được vài chục phút nhưng trong thời gian đó phản xạ rất kém, dễ rơi vào tình trạng ngủ lơ mơ vô thức. Tài xế chỉ mấy giây ngủ thiếp đi, tai nạn tức khắc sẽ đến, hậu quả khó lường!”, anh Dũng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát số giờ lái của tài xế, ông Dương Viết Tri, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Kiểm soát số giờ tài xế cầm lái thuộc trách nhiệm của DN kinh doanh vận tải. Mỗi DN đều phải theo dõi cảnh báo từ thiết bị giám sát hành trình, có tổ theo dõi giao thông, nếu thấy có vấn đề phải nhắc nhở tài xế kịp thời. “Vấn đề cốt lõi là cần tăng trách nhiệm quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải đối với tài xế và phương tiện. Nếu tài xế ngủ gật gây ra tai nạn rồi mới truy xuất thông tin từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý thì thiệt hại đã xảy ra”, ông Trí nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trước mỗi hành trình dài, tài xế nên ngủ đủ và sâu giấc. Nên dừng xe khi cảm thấy buồn ngủ và uống cà phê hoặc chè để lấy lại sự tỉnh táo. Không nên làm việc cả ngày rồi lái xe cả đêm, vì mệt mỏi là nguyên nhân chính dẫn đến ngủ gật, nhất là vào những thời điểm dễ gây buồn ngủ như giữa trưa và từ giữa đêm đến sáng. Trường hợp bắt buộc lái xe vào những thời điểm đó, hãy tạm dừng xe và nghỉ ngơi vài mươi phút trước khi tiếp tục tham gia giao thông. “Các DN phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo dõi, quản lý tài xế khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường để kịp thời nhắc nhở tình huống dễ gây ra tai nạn”, ông Nguyễn Xuân Trạch khuyến cáo.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” tại Điều 23, Điều 24 quy định: Người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô chở người, xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa điều khiển phương tiện quá thời gian quy định tại Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ (hơn10 giờ/ngày và lái xe liên tục quá 4 giờ) thì sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.