Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em

Thứ năm, 01/11/2018 15:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, cứ 3 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Chính vì vậy, phòng tránh TNGT cho trẻ em là một vấn đề cần thiết và cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Trước nhiều thách thức to lớn đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng chương trình Năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” trên tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 đến 10% cả ba tiêu chí; đặc biệt là giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017.

Bình Thuận cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu như mục tiêu chung của cả nước, tuy nhiên kết quả đưa lại chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là tai nạn giao thông đối với trẻ em. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 9 tháng của năm 2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em dưới 18 tuổi, làm chết 24 trẻ và bị thương 26 trẻ. Tuy số vụ và số trẻ bị thương có giảm nhưng chỉ tiêu quan trọng nhất số trẻ em tử vong không những không giảm được 10% như chỉ tiêu đã đề ra mà còn tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân của tình hình trên là do ý thức của trẻ về ATGT chưa cao, nên khi tham gia giao thông các em không chấp hành luật và các quy định về ATGT như vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám theo xe, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác, vượt trước mũi ô tô, xe máy, hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ bị va quẹt… Đối với người lớn thì bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh TNGT cho trẻ như để trẻ nhỏ đứng, ngồi trước xe máy; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; chở người quá quy định; vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia say không kiểm soát được tốc độ…

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông (Ảnh minh họa)

Vì vậy, bản thân phụ huynh học sinh phải là tấm gương và nhắc nhở, xây dựng cho con em mình có nhận thức và hành vi văn hóa giao thông; chú ý cho trẻ em đi xe vừa với tầm vóc của mình; không cho trẻ dưới 12 tuổi đi xe đạp và trẻ dưới 18 tuổi đi xe máy ra đường; luôn giúp trẻ bảo đảm xe hoạt động tốt; không tham gia cổ vũ đua xe trái phép; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; dạy và hướng dẫn trẻ các kỹ năng đi xe đạp, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; nhường đường cho người đi bộ; dừng và đi theo tín hiệu đèn giao thông; không lạng lách, đánh võng trên đường; không dàn hàng ngang, đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho từng loại xe; tuân thủ đúng các loại biển báo; không cho trẻ chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông, vỉa hè khu vực đỗ ô tô; phải chú ý quan sát xung quanh trước khi qua đường…

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của chính các em. Khó có thể chấm dứt tai nạn giao thông, nhưng hoàn toàn có thể hạn chế hiểm họa này thông qua tuyên truyền, giáo dục. Việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT là vô cùng cần thiết và hữu ích, giúp các em nâng cao kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để ứng biến, xử lý kịp thời. Các ngành chức năng, đoàn thể và nhà trường cần tuyên truyền để các em thấy rõ những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông, những nguy cơ và hiểm họa của tai nạn giao thông đối với sức khỏe, qua đó giúp các em có hiểu biết và tuân thủ tốt hơn các quy tắc và luật lệ an toàn giao thông. Cũng có thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền do các em làm chủ như thành lập nhóm tuyên truyền, câu lạc bộ tuyên truyền trong chi đội, chi đoàn, khu phố, cụm dân cư để cung cấp những kiến thức thiết thực về an toàn giao thông. Thường xuyên tổ chức các hình thức thi tìm hiểu về Luật An toàn giao thông, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt, tuân thủ pháp luật về ATGT ở mọi lúc, mọi nơi.

hoavt

Nguồn: Báo Binh Thuận

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)