Lo tai nạn giao thông từ du khách nước ngoài

Thứ tư, 19/12/2018 10:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh người nước ngoài điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vi phạm giao thông đe dọa đến tính mạng của mình và của người khác.

Người nước ngoài tham gia giao thông bằng xe máy( ảnh minh họa)

Từ các vụ tai nạn

Cao điểm khách quốc tế, đặc biệt là khách Nga bắt đầu từ khoảng tháng 10 tới tháng 3 năm sau. Đây là thời điểm du khách Nga và nhiều nước khác, sang Việt Nam để tránh đông. Trong đó, Phan Thiết - Mũi Né nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung là lựa chọn của nhiều du khách với biển xanh - cát trắng - nắng vàng, và nhiều resort đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghỉ dưỡng.

Sự có mặt của du khách đã góp phần làm không khí du lịch tại các điểm đến, các cơ sở lưu trú và các dịch vụ ăn uống, vui chơi, mua sắm thêm phần sôi động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, sự hiện diện của du khách nước ngoài cũng đi kèm với nhiều mối lo về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nếu như tác nhân về an ninh trật tự như trộm cắp, cướp giật mà cơ quan chức năng phải lo đến từ các đối tượng người địa phương, thì trật tự an toàn giao thông lại đến từ không ít du khách.

2 trong số các vụ tai nạn, va chạm giao thông gần đây là minh chứng cho điều đó. Lúc 16h30 ngày 18/11, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thuộc khu phố 1, phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, xe mô tô 51R3 – 0334 do Cteka Chevander (SN 1972, quốc tịch Nga) điều khiển hướng Mũi Né đi Phan Thiết đã tông vào xe mô tô 75H8 - 4083 do Kuasinan Tasua (SN 1988, cũng quốc tịch Nga) đang lưu thông chiều ngược lại. Hậu quả làm cả 2 du khách bị thương, trong đó ông Cteka Chevander bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu là do xe mô tô 51R3 – 0334 đi không đúng phần đường. Trước đó khoảng 1 tháng, trên đường Hùng Vương (TP. Phan Thiết), du khách trẻ tuổi quốc tịch Anh, điều khiển xe mô tô đã tông vào xe máy do Cao Đăng Khánh (SN 2001, ngụ KP3, phường Phú Thủy) điều khiển, chở 1 người bạn lưu thông phía trước cùng chiều. Hậu quả làm thanh niên quốc tịch Anh bị chấn thương sọ não, gãy quai hàm. Nguyên nhân là do du khách này không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát nên tông vào phương tiện đi trước. 

Có tiền là giao xe

Thực tế cho thấy không ít du khách khi sang Việt Nam và tỉnh Bình Thuận, dù chưa thông đường, cũng như chưa quen với loại phương tiện mô tô, nhưng không khó để bắt gặp những hình ảnh du khách nước ngoài điều khiển phương tiện phóng bạt mạng, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí uống rượu bia say tham gia giao thông. Ngoài thuê xe làm phương tiện, họ còn xem điều khiển phương tiện “Made in Việt Nam” là trò trải nghiệm, khiến người dân phải lo ngại và đã có nhiều vụ tai nạn như vậy xảy ra. Sự nở rộ của các dịch vụ cho thuê xe mô tô tự lái, nhưng người cho thuê chạy theo lợi nhuận từ sự cạnh tranh, không biết có bằng lái hay không “chỉ cần có tiền là giao xe”. Ngoài ra, việc không đưa ra quy định ràng buộc và không có sự hướng dẫn, để du khách có thể nắm bắt, tuân thủ pháp luật Việt Nam, cũng là nguyên nhân của không ít vụ TNGT. Một khi xảy ra tai nạn, va chạm liên quan đến người nước ngoài, thủ tục và kinh phí giải quyết rất rắc rối và tốn kém.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian qua việc tuyên truyền pháp luật về giao thông cho du khách nước ngoài đã được lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh và TP. Phan Thiết, cùng chính quyền địa phương nơi có đông du khách lưu trú, luôn được chú trọng. Theo đó, cách thức tiến hành bằng nhiều hình thức trực tiếp, hoặc qua tờ rơi tiếng Anh, Nga về một số vấn đề cơ bản của pháp luật Việt Nam về giao thông, phát cho du khách thông qua cơ sở lưu trú, dịch vụ thuê xe... Điều này góp phần giảm số vụ TNGT liên quan đến khách nước ngoài qua từng năm. Dù vậy, TNGT từ du khách nước người trong mùa cao điểm luôn là mối lo thường trực, khi nguyên nhân chủ yếu đến từ ý thức con người.

Theo Luật Giao thông đường bộ, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển giao thông theo quy định, nếu chưa gây tai nạn thì chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.600.000 - 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông”.

Nếu gây tai nạn thì chủ phương tiện đã giao xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 205 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó thì người nào điều động hoặc giao cho người không có GPLX hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt từ 3 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 12 năm”.

hoavt

Nguồn: Báo Bình Thuận

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)