Tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân ở hai thành phố, đang là vấn đề xã hội hết sức bức xúc. Để từng bước khắc phục tình trạng UTGT, ngày 31/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục UTGT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tiến tới giảm TNGT.
Giảm tải giao thông trung tâm
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND hai thành phố công bố và triển khai quy hoạch phát triển GTVT của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Đồng thời, UBND hai thành phố chủ trì phối hợp với các Bộ, lập quy hoạch xây dựng các bến, bãi đỗ xe; xúc tiến thực hiện các dự án xây dựng điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đô thị theo quy hoạch; chỉ cho phép xây dựng các khu chung của cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ nếu đảm bảo diện tích để môtô, xe gắn máy, ôtô theo quy định. Nâng cấp, cải tạo các quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, các nút giao thông. Xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm cho người đi bộ, thiết kế lại giao thông tại các điểm bất hợp lý, nhất là các điểm có cầu vượt hoặc hầm cho người đi bộ; bổ sung thiết bị điều khiển giao thông tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc. Hiện đại hoá các trung tâm điều hành giao thông, hoàn thành việc lập lại trật tự hành lang ATGT theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện việc tổng kiểm tra, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý hè phố, lòng đường đô thị, dành một phần làm nơi để môtô, xe gắn máy có trật tự trên những hè phố rộng nhưng không được làm cản trở giao thông và phải đảm bảo bề rộng dành cho người đi bộ.
Trong năm 2009, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND hai thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức lập quy hoạch di dời các cơ quan hành chính, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng định mức diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phục vụ cho việc cấp phép xây dựng mới các chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại, siêu thị. Riêng việc quy hoạch di dời các cơ quan hành chính Nhà nước, trường học, trường dạy nghề, các bệnh viện lớn được phê duyệt, lập kế hoạch cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2010.
Xây dựng văn hóa giao thông gắn với phát triển vận tải khách công cộng
UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, ủy ban ATGT Quốc gia, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng pháp luật về trật tự ATGT tới nhân dân về “văn hóa giao thông”, “văn minh đô thị” để mọi người tự giác chấp hành các quy định như: đi bộ trên hè phố, điều khiển phương tiện đi đúng làn, phần đường, tạo thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Đổi mới nội dung tuyên truyền, phù hợp với mọi người, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định của Luật GTĐB khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, 2 TP cần đẩy mạnh việc phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả. Theo đó, quý IV năm 2008 hoàn thành việc rà soát mạng lưới, các tuyến xe buýt để điều chỉnh những bất hợp lý, đồng thời, bổ sung thêm các tuyến mới bao phủ hết các khu vực. Quảng bá rộng rãi mạng lưới xe buýt để mọi người dân chọn hành trình hợp lý. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các trường học, các doanh nghiệp để tổ chức loại hình xe buýt chuyên trách (có trợ giá) đưa đón học sinh, cán bộ, công nhân theo Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ, thực hiện từ quý I năm 2009.
Hơn thế nữa, lực lượng Công an hai thành phố áp dụng các hình thức sử dụng điều khiển các trung tâm điều khiển giao thông tại hai thành phố, phát hiện sớm những điểm ùn tắc để có biện pháp giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến UTGT như: xe dừng, đỗ, chuyển hướng, tránh, vượt, đi vào đường ngược chiều, điều khiển xe đi trên hè phố, đi không đúng làn, lấn chiếm lòng đường, hè phố, không tuân theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông. Có hình thức, xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ không hoàn thành nhiệm vụ... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ TTKS, lắp đặt camera, áp dụng rộng rãi hình thức xử phạt qua hình ảnh ghi được từ camera.
Sở GTVT phối hợp với Công an thành phố thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án phân luồng, phân làn lưu thông cho các loại phương tiện, hoàn thiện các phương án tổ chức giao thông nội đô. Lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, dải phân cách, phân làn đường cho phương tiện đảm bảo ATGT.
Đề xuất các giải pháp xã hội hoá hoạt động vận tải hành khách công cộng, nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia. Có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải khách công cộng. Các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển vận tải khách công cộng có khối lượng lớn như: đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn.
Quy định việc cấm mô tô, xe gắn máy và ô tô lưu thông trên tuyến phố cụ thể trong những giờ cao điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực. Đặc biệt, Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách công cộng nội đô. Đồng thời, quy định phí, lệ phí liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của cá nhân.
Đỗ Thi