Ngày 27-12-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt. Thực hiện quyết định trên, từ ngày 17-7 đến ngày 9-8-2008, Cục Đường sắt VN đã và sẽ tổ chức ra quân, triển khai thực hiện giai đoạn 1 Quyết định nói trên tính đến ngày 2-8, đợt ra quân đã được triển khai thực hiện ở 7/11 tỉnh, thành phố, đại diện cho 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua. Sau nhiều năm buông lỏng quản lý, việc lập lại trật tự hành lang ATGTĐS vô cùng khó khăn, nếu không có sự đồng thuận của các cấp, các ngành thì mục tiêu của QĐ 1856 khó trở thành hiện thực.
Thực trạng hành lang an toàn giao thông đường sắt
ĐSVN có tổng chiều dài 3.146 km. Trong đó đường sắt chính tuyến là 2.640 km, đường nhánh, đường ga là 506 km, chạy qua 34 tỉnh, thành phố, 147 quận, huyện và 654 phường, xã, thị trấn. Những năm gần đây do tốc độ phát triển nhanh, mức độ đô thị hóa ngày càng sôi động, sự bùng nổ của các phương tiện giao thông... đã kéo theo sự phức tạp của hành lang ATGTĐS. Tình trạng nhiều hộ dân sống dọc đường sắt đã tự mở lối đi trái phép, thậm chí có nơi chính quyền địa phương còn cấp đất cho dân vi phạm hành lang ATGTĐS. Chính vì vậy các vụ việc tàu va, cán, gạt người và xe cộ khi qua các đường ngang dân sinh tự phát ngày một gia tăng.
Theo thống kê của Ban ATGT Tổng công ty ĐSVN, số đường ngang các loại từ năm 2001 đến nay đã tăng trung bình 1,5 lần. Trên các tuyến đường sắt hiện có tới 310,272 km đường bộ chạy song song và liền kề với đường sắt, dẫn tới tình trạng ô tô đổ vào đường sắt, gây tai nạn giao thông và trở ngại chạy tàu ngày càng phổ biến. Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGTĐS diễn ra ở cả 34 tỉnh, thành.
Quy định về Hành lang an toàn giao thông đường sắt
Tại kỳ họp thứ 7 khóa XI, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Đường sắt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2006. Trong đó Điều 35 đã quy định về Hành lang an toàn giao thông đường sắt như sau:
1. Phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định như sau:
a) Chiều cao giới hạn trên không tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này (Khoản 1, Điều 27 quy định: Phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng đối với đường khổ 1000 milimét theo cấp kỹ thuật là 5,30 mét; đối với đường khổ 1435 milimét là 6,55 mét. Khoảng cách giữa đường sắt với đường tải điện đi ngang qua phía trên đường sắt được thực hiện theo quy định của Luật Điện lực).
b) Chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15 mét đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2 mét đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào.
2. Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang.
3. Trong hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được phép trồng cây thấp dưới 1,5 mét và phải trồng cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2 mét, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5 mét hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất 3 mét.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể hành lang an toàn giao thông tại khu vực đường ngang, đường sắt đô thị.
P.V
|
Hành lang ATGTĐS bị lấn chiếm để xây dựng, cơi nới nhà cửa, làm lều quán, họp chợ... che khuất tầm nhìn của lái tàu, lái xe ô tô cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt. Tại nhiều thành phố, thị xã, thị trấn các hộ dân đã dùng nhiều nguyên vật liệu như bê tông, đá, sắt, thép... để lát đường đi trái phép qua đường sắt, nhiều điểm kéo dài hàng km, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu cũng như gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, duy tu, sửa chữa đường sắt.
Thống kê đến cuối năm 2007, đã có hơn 6000 vị trí vi phạm hành lang ATGTĐS từ nhà xây kiên cố cho đến vi phạm làm lều, quán, mái vẩy, biển quảng cáo... Cũng theo số liệu thống kê của Tổng công ty ĐSVN, từ năm 1996 đến 2006, đã xảy ra hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 2.113 người chết.
Riêng năm 2007 đã xảy ra 567 vụ, làm bị thương 457 người và chết 236 người. 6 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 210 vụ làm chết 89 người, bị thương 134 người, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2007. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn vẫn là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa cao, không chú ý hoặc cố tình băng qua đường sắt khi chắn đã đóng, chuông cảnh báo đã hoạt động... Theo điều tra của cơ quan công an, tại những điểm đen về tai nạn GTĐS đều có chướng ngại vật, các công trình, biển quảng cáo làm che khuất hoặc hạn chế tầm nhìn của lái xe, lái tàu... đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ tai nạn, trở ngại chạy tàu.
Việc giải tỏa những công trình vi phạm hành lang ATGTĐS hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, một phần do thiếu kinh phí, một phần do thiếu ý thức của một bộ phận dân cư sinh sống dọc ven đường sắt, sự thiếu kiên quyết của các cấp có thẩm quyền, sự phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc kiên quyết lập lại trật tự hành lang ATGTĐS. Quyết định 1856/QĐ-TTg đã chỉ rõ 3 giai đoạn phải làm, cũng như những mục tiêu, giải pháp cụ thể của từng cấp. Khác với nhiều văn bản pháp lý trước đây, QĐ 1856 đã chỉ rõ nguồn kinh phí cụ thể cho từng giai đoạn.
Đồng loạt ra quân triển khai giai đoạn 1 Quyết định
Theo Cục Đường sắt VN, ngoài nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn, trở ngại chạy tàu ngày càng gia tăng là do ý thức chấp hành luật pháp của nhiều người dân sống dọc các tuyến đường quốc lộ cũng như gần đường sắt chưa cao, còn có nguyên nhân thiếu nhất quán của quy hoạch tổng thể, cộng với việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Xin đơn cử sự thiếu thống nhất trong các quy định về hành lang ATGT đường sắt được thể hiện như sau: Nghị định 120/CP của Hội đồng Chính phủ quy định phạm vi giới hạn đường sắt được tính từ mép chân nền đường đắp của đường sắt ra hai bên là 5m, song tại Nghị định 39/NĐ-CP lại quy định khoảng cách này là 5,6m và theo Luật Đường sắt lại được quy định thành 15m.
Như vậy, theo các văn bản pháp luật thì phạm vi giới hạn an toàn đường sắt đã được mở rộng tới hơn 10m. Trong khoảng thời gian đó, đất hai bên hành lang được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người dân đã xây dựng các công trình kiên cố để sử dụng. Điều này đã khiến các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn khi giải tỏa hành lang theo đúng quy định. Bên cạnh đó còn khá nhiều nơi, chính quyền địa phương còn cho rằng bảo vệ hành lang an toàn đường sắt là trách nhiệm riêng của ngành Đường sắt nên đã không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
Liên tục trong 10 năm trở lại đây, ngành đường sắt đã thực hiện nhiều giải pháp tập trung xóa điểm đen nhưng tai nạn giao thông đường sắt do khách quan vẫn không giảm. Số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra do chủ quan ngày càng giảm nhưng số vụ xảy ra do khách quan ngày càng nhiều. Trong số những vụ TNTGĐS nghiêm trọng, có không ít vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh. Thực hiện QĐ 1856/QĐ-TTg, trong năm 2008, Bộ GTVT sẽ đầu tư 118 tỷ đồng để phục vụ công tác tuyên truyền và xử lý điểm đen TNGTSĐS. Cục ĐSVN sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát, thống nhất các điểm đen cần cải tạo, tổ chức thiết kế, lựa chọn nhà thầu và sẽ bắt đầu tiến hành thi công từ tháng 1-2009.
Với quyết tâm kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương hành lang ATGTĐS đúng như tinh thần của Quyết định số 1856/QĐ-TTg, lộ trình thực hiện giải tỏa và lập lại trật tự hành lang ATGTĐS được chia làm ba giai đoạn cụ thể từ nay đến 2020. Tổng kinh phí dự kiến cho công tác này là 4.173,998 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 118,761 tỷ đồng. Đây là sự đầu tư lớn nhất của Chính phủ từ trước tới nay cho công tác lập lại trật tự hành lang ATGTĐS. Được biết, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản số 6158/BTC-TCDN cho phép thực hiện nguồn kinh phí lập lại trật tự hành lang ATGTĐS.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo GTVT, tại 7/11 điểm đã ra quân triển khai QĐ 1856/QĐ-TTg, có nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, chưa đạt được mục tiêu và mong muốn đề ra. Sau lễ ra quân, trống rong cờ mở, mọi việc lại rơi vào im lặng. Nhiều người dân sinh sống dọc theo đường sắt chưa hiểu và tự giác chấp hành. Hằng ngày hằng giờ vẫn có nhiều vụ vi phạm hành lang ATGTĐS cũng như cố tình băng qua đường sắt khi tàu đang đến...
Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo chúng tôi, ngoài ý thức tự giác chấp hành của người dân có một nguyên nhân vô cùng quan trọng là thái độ hợp tác của các cơ quan có thẩm quyền. Ngay giữa Tổng công ty ĐSVN và Cục ĐSVN cũng chưa có sự nhất quán, sự phối hợp đồng bộ trong các bước triển khai thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg. Có hiện tượng Tổng công ĐSVN tổ chức ra quân riêng, Cục ĐSVN tổ chức ra quân riêng, mà lẽ ra nên phối hợp cùng tổ chức để đạt hiệu quả cao hơn. Kế hoạch thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang ATGTĐS còn kéo dài đến năm 2020, rất mong các cơ quan có thẩm quyền cùng vào cuộc, chung tay để giữ vững an toàn cho những chuyến tàu cũng như bớt đi những vụ tai nạn thương tâm đang xảy ra hằng ngày hằng giờ dọc theo các tuyến đường sắt.
Bài, ảnh: Hồ Thu Thủy
1856/QĐ-TTg