Tại Phiên họp thứ 8 của UBTVQH, ngày 24/8/2008, Bộ trưởng Bộ GTVT - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo về tình hình thực thi pháp luật ATGT, trả lời chất vấn của các Uỷ viên UBTVQH và các Đại biểu QH. Báo cáo tiếp tục nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ về ATGT đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện về: quy hoạch và các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường đảm bảo trật tự ATGT...
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trình bày tập trung vào các lĩnh vực như việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT nói chung và công tác đảm bảo ATGT nói riêng; những tồn tại và yếu kém; nguyên nhân và các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Theo đó, trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác đảm bảo ATGT, phù hợp quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt sau khi có Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư, các cấp uỷ Đảng đã quan tâm hơn đến công tác ATGT và có những chỉ đạo góp phần làm chuyển biến tình hình trật tự ATGT. Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP), 6 chỉ thị và nhiều công điện chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT.
Bộ GTVT tăng cường công tác đào tạo cấp GPLX, kiểm định phương tiện, vận tải khách, quản lý hành lang ATGT, chất lượng công trình. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường hoạt động TTKS, xử lý vi phạm. Uỷ ban ATGT Quốc gia đã ký Nghị quyết liên tịch với Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền và thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT. Các tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban ATGT, tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức các hoạt động ATGT.
Nổi bật là công tác tuyên truyền, sau khi có Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, được tiến hành thường xuyên cả ở Trung ương và địa phương với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, trong đó tuyên truyền về chủ trương bắt buộc đội MBH đã mang lại hiệu quả tích cực khi số người tự giác đội MBH chiếm gần 100%. Chương trình giáo dục ATGT đã được Bộ GD&ĐT đưa vào tất cả các bậc học...
Về tình hình TNGT, trước năm 2002 TNGT liên tục tăng. Từ năm 2003 đến 2005 đã được kiềm chế. Đến năm 2006 bắt đầu tăng trở lại, năm 2007 số người chết do TNGT tăng 3,2%. Tuy nhiên, nếu tính số người chết trên 10.000 phương tiện thì số người chết hàng năm vẫn giảm từ 2002 - 2007. Năm 2002, năm đầu tiên thực hiện Luật GTĐB, số người chết là 11,6 người/10.000 phương tiện. Năm 2007, con số này là 5,6 người/10.000 phương tiện. Quý I/2008, cả nước xảy ra 3.289 vụ TNGT, làm chết 3.052 người, bị thương 2.073 người; so với cùng kỳ, giảm 700 vụ, 509 người chết, 1.014 người bị thương. Nếu tính chung trong 8 tháng thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, cả nước đã giảm được 911 người chết do TNGT.
Vấn đề quy hoạch phát triển giao thông đã gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng, miền và có tính đến yếu tố kết nối giữa các loại hình giao thông. Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020. Về đường sắt, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chỉnh sửa hoàn chỉnh đề án chiến lược phát triển giao thông đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành GTVT đường sông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thuỷ nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2010 và định hướng đến 2020 và phía Nam đến năm 2010. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... Đến năm 2007 đã hoàn tất phê duyệt quy hoạch 17/22 cảng hàng không.
Công tác đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thuỷ có nhiều đổi mới, phù hợp mục tiêu cải cách hành chính đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Công tác quản lý đào tạo người điều khiển cơ giới đường bộ được tăng cường theo hướng ngành GTVT thống nhất quản lý nội dung, chương trình đào tạo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, nội dung, quy trình sát hạch đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch.
Hiện cả nước có 176 cơ sở đào tạo lái xe môtô và ôtô, 41 trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị chấm điểm tự động. Đến nay cả nước đã cấp 20.269.881 GPLX môtô và 1.604.679 GPLX ôtô. Theo kết quả điều tra năm 2007, số người phải có bằng thuyền trưởng, tàu sông các loại là 23.314 người (chiếm 20,6%); số người phải có chứng chỉ lái phương tiện thuỷ nội địa là 444.923 người hiện đã có chứng chỉ là 15.384 người (chiếm 3,4%)...
Mặc dù vậy, báo cáo do Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trình bày cũng chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như việc ban hành một số văn bản còn chậm, vấn đề tuyên truyền chưa sâu, thiếu sinh động; công tác xây dựng quy hoạch còn chậm, phối hợp thiếu đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt quản lý bảo vệ công trình giao thông, để nhiều tổ chức cá nhân vi phạm hành lang ATGT, số đường ngang mở trái phép qua đường sắt còn hơn 3.400 điểm, công tác quản lý kiểm định phương tiện còn nhiều bất cập nhất là phương tiện thuỷ, công tác quản lý vận tải còn lỏng lẻo, vấn đề ATGT chưa được quan tâm đúng mức...
Nguyên nhân chính là do tăng trưởng kinh tế nhanh, trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng, ý thức người tham gia giao thông thấp. Về chủ quan, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATGT chưa được thường xuyên, còn nhiều thiếu sót và tâm lý cho rằng đây là trách nhiệm của ngành Giao thông và Công an.
Để khắc phục, theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 22/CT-TW, 7 giải pháp cấp bách được nêu trong Nghị quyết 32/NQ-CP, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, cưỡng chế thi hành pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng, chất lượng phương tiện và người điều khiển phương tiện... Về lâu dài hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện đề án chống ùn tắc tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh...
Báo cáo giám sát của Uỷ ban QP - AN của QH về kết quả thực thi pháp luật đảm bảo ATGT cũng cơ bản nhất chí với báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trình bày. Báo cáo giám sát chỉ ra một số yếu kém như việc ban hành văn bản còn chậm, một số sai hoặc một số quy định chưa được ban hành, công tác quản lý vận tải còn bị buông lỏng, hoạt động TTKS mới chỉ tập trung trên những tuyến quốc lộ, đường tỉnh.
Đoàn giám sát đã đưa ra 6 kiến nghị với Chính phủ: Đó là chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 32/NQ-CP; rà soát hệ thống văn bản pháp luật, có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quy định trách nhiệm cụ thể, đẩy mạnh các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp GPLX, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về trật tự ATGT, khắc phục tình trạng hành chính hoá, dân sự hoá các vụ án TNGT.
Sau khi nghe hai bản báo cáo quan trọng của thành viên Chính phủ và đại diện Uỷ ban QP - AN của Quốc hội về kết quả và giám sát thực thi pháp luật ATGT, UBTVQH và các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và nghe giải trình bổ sung của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Đại Quang về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã nhận được 16 ý kiến đề nghị trả lời tập trung vào các vấn đề quy hoạch, nguyên nhân gia tăng TNGT 2 năm 2006, 2007, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xe "công nông", giải pháp thay thế xe tự chế...
Trả lời đại biểu Nguyễn Quốc Trị (Quảng Bình) về chính sách hỗ trợ và giải quyết vấn đề loại bỏ phương tiện xe "công nông", Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng về chủ trương này Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg và mới đây là Nghị quyết 32/NQ-CP đến nay nhiều địa phương đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, vẫn còn lúng túng trong việc chuyển đổi nghề nghiệp. Người dân vẫn được sử dụng xe "công nông" phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính phủ đã có chỉ đạo địa phương chủ động có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và nghề nghiệp. Về phần Chính phủ mới tiến hành hỗ trợ thí điểm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên.
Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) "đề nghị Bộ trưởng giải thích tình trạng thiếu đồng bộ giữa cầu và đường trong các dự án khu vực ĐBSCL". Bộ trưởng cho rằng các dự án này chủ yếu là nâng cấp, cải tạo dùng vốn ODA, WB nhưng nhà tài trợ chỉ tài trợ phần đường nên khi triển khai có sự không đồng bộ giữa các hạng mục cầu, đường của các dự án.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá (Uỷ ban các vấn đề xã hội của quốc hội) nêu vấn đề xử lý chưa nghiêm, xuất hiện tình trạng dân sự hoá và hành chính hoá các vụ án TNGT nghiêm trọng thì trách nhiệm thuộc về ai và khắc phục như thế nào; Công tác đăng ký đăng kiểm phương tiện thuỷ đạt thấp do đâu và trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng cho rằng, việc xử lý căn cứ theo quy định của pháp luật và do các lực lượng Công an, TTGT tiến hành. Kết quả đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ đạt thấp do Luật GTĐT nội địa mới có hiệu lực trong 2 năm, một số quy định còn chưa phù hợp, năng lực tại một số cơ sở còn hạn chế nên hiện nay mới đăng kiểm được 20% và 8% đăng ký. Thời gian tới, Bộ tiếp tục tiến hành phân cấp cho các địa phương và kiến nghị một số thủ tục đơn giản như miễn lệ phí đăng ký, đào tạo miễn phí...
Qua đường dây nóng, đại biểu Trần Thị Kim Phượng (Hà Tây) nêu vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân trong khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng có ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế hay không? Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: việc hạn chế xe cá nhân, Luật GTĐB và các Nghị quyết của Chính phủ cũng đều đề cập nhưng thực hiện chủ trương này giữa Bộ, các ngành và địa phương còn đang lúng túng. Do đó cần xác định một lộ trình, trong đó trước mắt phát triển giao thông công cộng để thu hút người dân. Hiện cả nước đã có 44 tỉnh, thành mở các tuyến xe buýt về trung tâm các huyện và một số nơi đến trung tâm xã.
Riêng với hai thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10%. Muốn thu hút và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, cần phải có hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và phải có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, hấp dẫn.
Ảnh: Thanh Tùng
Vấn đề kiểm soát chất lượng MBH và chủ trương thay thế, chuyển đổi xe ba gác là những vấn đề xã hội khá nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận cũng được đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị người đứng đầu Bộ GTVT và Uỷ ban ATGT Quốc gia trả lời. Bộ trưởng cho rằng: Chính phủ đã giao trách nhiệm kiểm soát chất lượng và các điều kiện sản xuất kinh doanh MBH cho Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công thương. Hiện cả nước có 120 doanh nghiệp sản xuất và 50 doanh nghiệp nhập khẩu. Số MBH không đạt tiêu chuẩn phần lớn do nhập lậu bằng đường tiểu ngạch và làm giả. Tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố quy chuẩn quốc gia về chất lượng MBH. Hiện cả nước cũng có 6 trung tâm đủ điều kiện kiểm định chất lượng MBH và 2 tổ chức kiểm định nước ngoài được cấp phép.
Về vấn đề thay thế xe ba gác, Luật GTĐB và Nghị quyết của Chính phủ quy định cấm lưu hành phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn, muốn lưu hành phải đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, lộ trình thực hiện vừa qua bộc lộ khiếm khuyết, chưa phù hợp thực tế. Bộ đã đề xuất Chính phủ kéo dài lộ trình cấm loại xe này và Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1/2008 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho địa phương có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp và sau đó quy định lộ trình phạm vi hoạt động theo nguyên tắc phương tiện giao thông phải đủ điều kiện mới được phép hoạt động.
Trả lời đại biểu Nguyễn Viết Lãnh (Bình Định), giải quyết vấn đề xe gắn mác "thương binh", Bộ trưởng cho rằng đây là việc làm tự phát của chủ phương tiện chứ không có quy định nào gắn cho xe thương binh. Đối với xe phục vụ sinh hoạt của thương binh, người tàn tật, ngành chức năng vẫn tổ chức đăng ký, đăng kiểm, nếu đủ điều kiện mới được lưu hành, nhưng không được kinh doanh chở hàng và chở người.
Về ý kiến của đại biểu Trần Thế Vượng (Trưởng ban công tác dân nguyện) về nguyên nhân giai đoạn 2003 - 2005 TNGT được kiềm chế, nhưng từ năm 2006 - 2007 lại tăng, Bộ trưởng khẳng định nguyên nhân cơ bản là công tác quản lý Nhà nước của Bộ và địa phương còn yếu kém, thiếu linh hoạt trước thực tế TNGT diễn biến phức tạp nhưng phản ứng chậm, trách nhiệm chưa cao...
Kết thúc Phiên chất vấn của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá dù việc chất vấn giữa hai kỳ họp là mới nhưng cho thấy rất cần thiết, kết hợp được cả việc giám sát của UBTVQH và chất vấn. "Hiếm có lần nào lại có nhiều câu hỏi như vậy. Chất lượng câu hỏi và trả lời rõ ràng, có trọng tâm đã làm rõ được nhiều vấn đề thời sự, bức xúc. Qua trả lời cho thấy báo cáo của Chính phủ và của Đoàn giám sát không "vênh" nhau nhiều, làm rõ hơn nguyên nhân và trách nhiệm, có cơ sở để đại biểu tiếp xúc cử tri, phát hiện thêm những khâu còn yếu để chỉ đạo làm tốt hơn", Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
TRUNG TƯỚNG TRẦN ĐẠI QUANG, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN, PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN ATGT QUỐC GIA: "Không có hiện tượng dân sự và hành chính hoá án TNGT"
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, TNGT 2 năm gần đây tăng cao và đang có hiện tượng chuyển địa bàn từ các tuyến quốc lộ, đường tỉnh sang đường huyện và giao thông nông thôn. Trong khi cơ sở hạ tầng không theo kịp được tốc độ tăng của phương tiện giao thông cá nhân thì lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT (đã huy động cả công an xã) nhưng vẫn còn mỏng.
Trung bình mỗi CSGT phải đảm nhiệm từ 60 - 70 km đường quốc lộ, chưa tính tỉnh lộ. Trong đề án tăng cường lực lượng CSGT được Chính phủ duyệt, lực lượng CSGT được bổ sung thêm 7.000 người nhưng cũng không thể ngày một ngày hai đưa họ ra đường làm nhiệm vụ.
Về ý kiến hành chính hoá, dân sự hoá trong xử lý các vụ việc TNGT, Thứ trưởng Trần Đại Quang: chủ trương của Bộ Công là tất cả các vụ TNGT đều phải lập biên bản để điều tra làm rõ nguyên nhân. Với những vụ TNGT nghiêm trọng (có người chết) thì phải khởi tố điều tra. Những năm gần đây, công tác điều tra xử lý hình sự đều đã được nâng lên. Năm 2005, khởi tố 5.078 vụ (chiếm 35,9%), năm 2006 khởi tố 5.565 vụ (chiếm 38,6%), năm 2007 khởi tố 5.821 vụ (chiếm 40,6%). Hầu hết các vụ đã khởi tố điều tra thì đều đưa ra truy tố và xét xử, không có chuyện hành chính hoá hay dân sự hoá.
Về phòng chống tiêu cực trong lực lượng CSGT. Bộ Công an luôn coi trọng việc xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Đối với lực lượng CSGT, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân và đối diện với những cám dỗ vật chất thì việc phòng ngừa tiêu cực càng được quan tâm hơn.
Từ năm 2004, Bộ Công an đã có hẳn một đề án về tổ chức phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động TTKS giao thông và một loạt quy trình, quy chế đảm bảo việc TTKS công khai, minh bạch, đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân và các cơ quan báo chí. Với những biện pháp này, những năm qua đã hạn chế đáng kể những sai phạm, tiêu cực quy trình TTKS.
Ngoài ra, Bộ Công an còn thành lập các tổ kiểm tra đặc biệt, tăng cường thanh kiểm tra để kịp thời uốn nắn và xử lý các sai phạm. Năm 2007 đã có 13.241 lượt cán bộ chiến sĩ không nhận mãi lộ, nhưng cũng đã kỷ luật dưới nhiều hình thức kể cả tước quân tịch, giáng cấp... đối với 143 trường hợp.
Nhóm P.V Báo Bạn đường