Lực lượng chức năng sẽ làm việc tối đa để bảo đảm ATGT dịp Tết

Thứ bẩy, 14/02/2015 08:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là khẳng định của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Thưa ông, trước việc liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong 1 tháng qua, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2015 đang đến gần, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao không chỉ đường bộ mà cả đường thủy. Năm nay công tác đảm bảo ATGT tập trung vào chuyên đề gì, thưa ông?

Uỷ ban ATGT Quốc gia

Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trả lời phỏng vấn

Ông Khuất Việt Hùng: Để chuẩn bị nhiệm vụ đảm bảo ATGT, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch số 14 đảm bảo ATGT năm 2015, trong đó đề ra các giải pháp cho từng Bộ, ngành địa phương để thực hiện nhiệm vụ chung, với các mục tiêu nâng cao ý thức xây dựng văn hoá cho người tham gia giao thông; nâng cao nhận thức, đạo đức cho người thực thi công vụ; kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí tại tất cả các tỉnh, thành phố; kéo giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trục quốc lộ chính.

Trước đó, ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2620 chỉ đạo nhiệm vụ bảo đảm ATGT và tổ chức vận tải Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015. Trong đó, đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT các tỉnh phối hợp các các doanh nghiệp tăng cường, xây dựng phương án triển khai vận tải Tết, đặc biệt chú ý chất lượng phương tiện, sức khoẻ của đội ngũ lái xe, để đảm bảo phương tiện tham gia vận tải Tết tuyệt đối an toàn kỹ thuật. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, chú trọng vào kiểm tra kiểm soát đường bộ, đường thuỷ, tăng cường an ninh an toàn hàng không.

Bộ Thông tin &Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến quy định về trật tự ATGT; thông tin cả nguyên nhân, biện pháp phòng tránh TNGT trong dịp Tết. Giao Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia trực tiếp, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác đảm bảo ATGT ở các địa phương với mục tiêu dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi phải giảm cả 3 tiêu chí so với dịp Tết 2014.

Mặc dù mọi biện pháp đảm bảo ATGT năm nào cũng được triển khai quyết liệt, nhưng tình trạng vi phạm, mất ATGT vẫn xảy ra với mức độ nghiêm trọng (tính ngay từ tháng 1/2015 đã có những vụ tai nạn thương tâm tại Thanh Hoá, Gia Lai, Cao Bằng, Đắk Lắk làm nhiều người chết). Ông có thể giải thích lý do vẫn xảy ra tình trạng trên? Công tác đảm bảo ATGT trong, sau Tết và lễ hội Xuân 2015 sẽ được Uỷ ban triển khai ra sao tại các tỉnh thành, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Công tác bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ thường xuyên, không kể ngày Tết, ngày lễ mà bất kỳ thời gian nào trong năm. Không chỉ ở Việt Nam, mà nếu nhìn sang các nước khác vào dịp lễ hội cũng luôn luôn phức tạp. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định tháng 1/2015 xảy hơn hơn 2.100 vụ tai nạn giao thông, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm 2014; hơn 2.080 người bị thương, giảm hơn 7%, đặc biệt số người chết giảm 13,2%.

Tết Ất Mùi 2015 công tác chỉ đạo đảm bảo ATGT kỹ và sớm hơn các năm. Sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã kịp thời ra 3 văn bản để đôn đốc nhắc nhở các Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở các bến xe, đảm bảo xe xuất bến an toàn. Lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra kiểm tra vi phạm. Tập trung kiểm tra các xe kinh doanh vận tải hành khách, an toàn kỹ thuật và số lượng người theo đúng quy định. 

Sau Tết Nguyên đán sẽ diễn ra mùa lễ hội trên khắp các vùng miền. Tai nạn giao thông đường thuỷ thời gian qua cũng là một vấn đề đáng báo động. Vậy để siết chặt quản lý an toàn giao thông đường thuỷ tại các khu vực lễ hội, các đò ngang, đò dọc vận chuyển khách du lịch, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia có chỉ đạo như thế nào? 

Ông Khuất Việt Hùng: Công điện số 2620 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt, đường không còn đặc biệt quan tâm ATGT đường thuỷ. Công điện này giao nhiệm vụ rất rõ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bởi ATGT năm nay gắn chặt với trách nhiệm của người thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Trong rất nhiều năm nay đò ngang khá an toàn, tuy nhiên, chúng ta không được mất cảnh giác. Bộ Công an cũng chỉ đạo lực lượng của ngành giao nhiệm vụ cho Giám đốc Công an các tỉnh đưa lực lượng cảnh sát giao thông đi tuần tra, kiểm soát. Lực lượng chính quyền các cấp lúc nào cũng túc trực sẵn sàng tham gia đảm bảo ATGT trên toàn tuyến phụ trách.

Giao thông Việt Nam, không chỉ trong con mắt người Việt mà cả người nước ngoài tiềm ẩn mất an toàn. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia thì năm 2015 sẽ giảm tối đa tình trạng này. Vậy lộ trình triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Năm nay Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu kéo giảm mất ATGT xuống từ 5-10% cả 3 tiêu chí, cả số vụ, số người bị thương, bị chết trên cả nước. Trong kế hoạch đã phân công rất cụ thể: Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về hạ tầng, về phương tiện, về dịch vụ vận tải, kiểm soát tải trọng, tái cấu trúc thị trường vận tải để kéo giảm mức phụ thuộc vào đường bộ, để khi áp lực vận tải đường bộ thấp thì tai nạn giao thông sẽ giảm.

Đến giờ phút này có thể khẳng định là an ninh vận tải hàng không an toàn nhất. Năm nay là năm thứ 18 Việt Nam không để xảy ra mất an toàn hàng không. Trong cuộc họp tổng kết an ninh hàng không năm 2014, phương hướng nhiệm vụ 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông hàng không chỉ đạo tuyệt đối không được phép để xảy ra lỗi, không để xảy ra mất an toàn an ninh hàng không. Trong giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, các Bộ ngành phải xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác đảm bảo ATGT phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện về mặt cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, báo cáo Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia để giám sát, Uỷ ban sẽ đi kiểm tra thường xuyên việc các địa phương tổ chức như thế nào.

Trước tình trạng mất ATGT như từ đầu năm xảy ra, nhất là vào các dịp trước, trong và sau ngày lễ, các giải pháp như thu giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện, phạt tiền… liệu có đủ sức răn đe? Theo ông, cần phải có chế tài xử lý như thế nào để hạn chế được tình trạng vi phạm trên?  

Ông Khuất Việt Hùng: Các nhà khoa học trên thế giới chỉ ra rằng, khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do con người. Do vậy, việc tăng nặng xử phạt, răn đe, đó chỉ là một phần. Theo tôi, giải pháp căn cơ vẫn là giáo dục, tuyên truyền. Giáo dục từ mầm non, tiểu học trở lên. Giáo dục cả những người đang đi làm, giáo dục cả trong trường hợp sát hạch lái xe. Trong công tác tuyên truyền, chúng ta phải sử dụng nhiều hình thức qua các phương tiện báo chí truyền thông và qua mạng xã hội... Năm nay trên các xe vận tải sẽ có khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”. Năm nay cũng là năm đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, kiểm soát các lỗi vi phạm, đẩy nhanh tiến độ camera phạt nguội đi vào hoạt động.

Với các hành vi vi phạm còn tái diễn, nếu đến mức nào đó, chúng tôi sẽ tịch thu phương tiện, xử lý nghiêm. Hiện nay đã có chế tài xử phạt người có nồng độ cồn, tuy nhiên chưa đủ sức răn đe. Sắp tới, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia, nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức độ nào đó sẽ xử lý hình sự.

Tôi cho rằng, một mặt chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, mặt khác chúng ta vẫn phải song hành xử phạt nghiêm minh. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính học tập mô hình quốc tế thì năng lực của công tác hiệu quả tăng lên. Trong khi đó uy nghiêm pháp luật ATGT mang lại niềm tin cho người dân và giúp cho người dân càng thấy được trách nhiệm của mình khi thực hiện công tác ATGT.

Xin cảm ơn ông!

xuannguyen

Nguồn: Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)