Từ chiếc xe khách giường nằm (XKGN) hai tầng đầu tiên của hãng vận tải Hoàng Long được đưa vào khai thác năm 2006 (tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh), đến nay cả nước đã có gần 4.500 chiếc, cho thấy rõ tính ưu việt và sức thu hút của loại phương tiện này. Nhưng đằng sau sự phát triển "chóng mặt" đó đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần "quản" chặt hơn, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, và bảo đảm sự an toàn của phương tiện này.
Xe khách giường nằm "dàn hàng" đón khách trong Bến xe Mỹ Đình
Tiện nghi thành bất tiện
Nhờ những ưu điểm như được lắp đặt hệ thống giường nằm thoải mái, ít dừng đón, giờ giấc thuận tiện, giá cả phải chăng,... XKGN đã trở thành phương tiện giao thông ưa chuộng, được nhiều người lựa chọn. Gặp anh Nguyễn Hữu Nghĩa, trú tại đường Lê Lợi (Ðông Hà, Quảng Trị) tại Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) khi anh vừa xuống khỏi chiếc XKGN của Hoàng Long sau chuyến đi dài từ Quảng Trị ra Hà Nội, anh Nghĩa vui vẻ: Ði xa bây giờ tôi hay chọn XKGN, vừa tiện nghi vừa thoải mái. Như chuyến này xe khởi hành từ chiều hôm qua, tôi lên xe ngả lưng một giấc, sáng nay đã đến Hà Nội. Nếu công việc thuận lợi, tôi có thể quay vào Quảng Trị ngay trong chiều nay, sáng mai có mặt tại Ðông Hà, vẫn kịp đi làm. Giá vé XKGN cũng không đắt, chỉ ngang vé ghế ngồi cứng của tàu hỏa lại dễ mua hơn, có thể đặt qua điện thoại hoặc qua mạng.
Chính vì những lý do đó, XKGN hiện đang trở thành trào lưu, được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư, cho nên có mức tăng ngày càng cao về số lượng. Nhưng điều đáng nói là chất lượng phục vụ của loại hình dịch vụ vận tải này lại không bắt kịp xu hướng phát triển đó. XKGN hiện đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trong cả khai thác và vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông (ATGT). Tuy số lượng XKGN hiện nay chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số xe khách loại lớn hơn 26 chỗ (4.492/45.800 xe), nhưng theo thống kê, trong sáu tháng năm nay, số vụ tai nạn đối với XKGN chiếm hơn 30% trong tổng số các vụ tai nạn liên quan xe khách. Ðiều đó cho thấy nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) cao của loại hình phương tiện này. Ðiển hình vào ngày 28/4, trên quốc lộ (QL) 1 đoạn qua khu phố An Thạnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), XKGN biển kiểm soát 49B-005.35 từ Hà Nội đi Ðà Lạt đã tông phải XKGN biển kiểm soát 77B-007.68 đi ngược chiều về Bình Ðịnh khiến một người chết và bảy người khác bị thương. Hay vào ngày 10/5 vừa qua, tại QL 46 đoạn giao tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An) đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa XKGN, ô tô và xe máy khiến người điều khiển xe máy chết tại chỗ.
Phó Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí lý giải: XKGN thường hoạt động trên những tuyến có độ dài hơn 300 km, thường chạy vào ban đêm, ngược với nếp sinh hoạt, đồng hồ sinh học bình thường của con người. Vì thế, lái xe dễ bị mệt mỏi và buồn ngủ,... dẫn đến mất an toàn khi điều khiển phương tiện. Nhiều xe sau khi kiểm định còn tự ý hoán cải, sắp xếp lại vị trí và lắp đặt thêm giường, ghế, thay đổi vị trí nhà vệ sinh so với thiết kế của nhà sản xuất, không bố trí dây đai, không có búa thoát hiểm, cơi nới hầm hàng,... Hậu quả của việc hoán cải này gây mất ổn định, sự cân bằng của phương tiện trên hành trình, là nguy cơ trực tiếp xảy ra TNGT. Anh Lê Ðức Thịnh, lái XKGN chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai của hãng Minh Tuấn cho biết: XKGN cao hơn xe khách thông thường khoảng từ 20 cm trở lên, khi điều khiển sẽ khó hơn, nhất là tại các dốc cua lớn. Với lái xe có kinh nghiệm không thành vấn đề, nhưng với lái xe "non tay", thiếu kinh nghiệm lại chưa quen đường, chạy đường trường rất dễ dính tai nạn.
Thời gian gần đây, còn xuất hiện hiện tượng các XKGN nhồi nhét khách bằng cách cơi nới thêm giường và ghế giữa lối đi lại, lòng vòng dừng, đón khách nhiều nơi, phóng nhanh vượt ẩu,... Những tiện nghi, ưu việt của XKGN lại trở thành sự bất tiện đối với hành khách, không bảo đảm ATGT.
Siết chặt quản lý
Trong đợt kiểm tra đột xuất các điều kiện bảo đảm ATGT đối với XKGN tại Bến xe Nước Ngầm, đoàn thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan việc thay đổi thiết kế, lắp thêm ghế, giường nằm để nhồi nhét hành khách hay thiếu các thiết bị an toàn như dây an toàn, búa thoát hiểm, bình chữa cháy. Còn trong sáu tháng qua, các đơn vị đăng kiểm đã phát hiện có tới 26,5% XKGN không đạt yêu cầu kiểm định trong lần kiểm tra đầu, trong đó một số phải khắc phục, sửa chữa ba, bốn lần mới đạt yêu cầu. Ðiều này gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần ngay lập tức có biện pháp siết chặt quản lý việc khai thác và vận hành loại hình dịch vụ vận tải hành khách này. Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Trí cho rằng: Vấn đề cần thực hiện ngay đối với XKGN là phải siết chặt việc quản lý, bao gồm quản lý an toàn và quản lý vận tải. Về quản lý an toàn, cần thực hiện gắt gao từ khâu đăng kiểm, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng tự ý thay đổi thiết kế, lắp đặt thêm giường, ghế, cơi nới hầm hàng, chở quá tải người và hàng hóa, thiếu các thiết bị an toàn. Về quản lý vận tải, cần rà soát và quy hoạch lại toàn bộ các cung đường, hệ thống bến đỗ, trạm dừng nghỉ; đồng thời quản lý nghiêm việc thực hiện các thủ tục ra, vào bến, cũng như việc bố trí lái xe luân phiên và dừng nghỉ theo đúng quy định. "Cục Ðăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định nghiêm ngặt hơn trong việc hoán cải xe khách ghế ngồi thành XKGN, đồng thời cũng khuyến khích các DN đầu tư vào loại xe khách có ghế ngồi có độ ngả lớn, chất lượng cao, vừa tiện nghi cho hành khách, vừa bảo đảm an toàn" - Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, trước tình hình TNGT đối với XKGN có nguy cơ gia tăng, Bộ GTVT đang siết chặt lại các quy định về kỹ thuật phương tiện đối với loại phương tiện này. Trước mắt, tạm dừng việc cấp phép đối với việc tự ý hoán cải xe khách thường thành XKGN. Ðồng thời, yêu cầu Tổng cục Ðường bộ Việt Nam xây dựng quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh hoàn chỉnh, các Sở GTVT địa phương xây dựng mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh. Căn cứ trên quy hoạch này, sẽ xác định rõ các điều kiện về địa hình, kết cấu hạ tầng trong việc cấp phép lưu hành đối với XKGN. Trong thời gian tới, những tuyến có đăng ký kinh doanh XKGN, phương án kinh doanh phải kèm theo cả đánh giá về điều kiện địa hình, hạ tầng để xác định đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Ở những nơi đèo núi có độ dốc lớn, bán kính cong, cua quá gấp không thể khắc phục được, sẽ không cho phép XKGN hoạt động. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Công tác đăng kiểm cũng cần siết chặt hơn, chỉ những XKGN đủ điều kiện theo đúng quy định, thiết kế không bị thay đổi so với hồ sơ ban đầu của nhà sản xuất mới được phép lưu hành.
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ tai nạn, nhiều hành khách bị thương nặng do không cài dây an toàn mặc dù xe có trang bị đầy đủ. Vì vậy, công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc nghiêm chỉnh thực hiện các quy định an toàn khi tham gia giao thông. Chỉ khi mỗi người thấy rõ được trách nhiệm với an toàn của chính bản thân mình, đồng thời các chủ xe, lái xe chấp hành đúng các quy định, việc bảo đảm an toàn cho hành khách không chỉ với XKGN mà trong các loại hình vận tải, đặc biệt trên đường bộ mới được cải thiện.
Nguồn: Nhân Dân