Ngày 12/6, theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, bắt đầu từ ngày 16/6/2014, lực lượng liên ngành Công an và Thanh tra Giao thông Hà Nội sẽ tập trung thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của phương tiện giao thông đường thủy nội địa, và các bến đò ven sông có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ngày 12/6, theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, bắt đầu từ ngày 16/6/2014, lực lượng liên ngành Công an và Thanh tra GTVT Hà Nội sẽ tập trung thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của phương tiện giao thông đường thủy nội địa và các bến đò ven sông có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong đợt thanh kiểm tra lực lượng liên ngành sẽ tập trung xử lý các phương tiện chở khách trên sông không bảo đảm an toàn về phương tiện và hành khách. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông và người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.
Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng tiến hành giải tỏa các tụ điểm neo đậu tàu thuyền trái phép, có nguy cơ gây mất an toàn, xử lý những hành vi làm hư hại đến kết cấu hạ tầng giao thông và công trình phòng chống bão lũ, đồng thời kiểm tra việc khai thác cát sỏi trên sông.
Cảnh sát Giao thông đường thủy đang kiểm tra giấy phép hoạt động của một tàu hoạt động trên sông Hồng.
Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an Thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có 195km đường thủy, 95 bến kinh doanh vật liệu xây dựng và 34 bến đò ngang sông. Hầu hết, các bến đò ngang sông đều không có phao tiêu. Dọc hai bờ sông (sông Hồng, sông Đuống), tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng được cấp giấy phép khai thác bãi nổi để khai thác cát trái phép ở lòng sông. Trên toàn địa bàn thủ đô còn 95 bến kinh doanh vật liệu xây dựng và 34 bến đò ngang sông, trong đó một số bến chưa được cấp phép hoạt động.
Bên cạnh đó, hạ tầng đường thủy hiện còn nhiều bất cập và khó khăn, đặc biệt là tình trạng khai thác cát. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phải thành lập những chuyên đề lớn để xử lý hình sự thì tình hình mới tạm lắng. Điển hình, ngày 6/6/2014, Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Thế, Nguyễn Thị Vấn (vợ Thế), Phí Văn Tuấn và Phí Văn Miết về tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Tình trạng bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng, bến đò ngang đò dọc đang rất nhức nhối khi mà mùa mưa bão năm 2014 đang cận kề. Một số khu vực hiện đang là điểm "nóng" về tình hình vi phạm trật tự an toàn đường thủy, như: Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh...
Trong 5 tháng đầu năm 2014, lực lượng Thanh tra Giao thông đã kiểm tra, lập biên bản 533 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, phạt tiền hơn 900 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là các lỗi như bến đò khách ngang sông hoạt động trái phép, phương tiện không đảm bảo, và các trường hợp cá nhân, tập thể khai thác cát sỏi trái phép. Để xử lý vi phạm trật tự an toàn đường thủy, ngoài lực lượng chuyên trách như Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Đường thủy, còn cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Nguồn: PetroTimes