Nam Định: Khắc phục tình trạng mất ATGT do cột điện nằm dưới lòng đường

Thứ tư, 28/08/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trên đường Lương Thế Vinh, phường Cửa Bắc (TP Nam Định), từ khi mở rộng lòng đường đến nay hệ thống cột điện trước đây vốn ở mép đường cũ nay nằm gần giữa lòng đường nên đã gây cản trở giao thông.
Trên đường Lương Thế Vinh, phường Cửa Bắc (TP Nam Định), từ khi mở rộng lòng đường đến nay hệ thống cột điện trước đây vốn ở mép đường cũ nay nằm gần giữa lòng đường nên đã gây cản trở giao thông.

Trên đoạn đường này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) khi người điều khiển xe máy giật mình tránh cột điện đứng sừng sững giữa đường thì lại va quệt vào xe khác. Không ít trường hợp bị đâm thẳng vào cột điện, nhất là với người không quen đường đi vào buổi tối. Hầu như năm nào tại đây cũng xảy ra các vụ TNGT khiến người bị nạn phải nhập viện.

Tại phường Hạ Long, trước đây hệ thống cột điện trong các khu dân cư nằm sát tường bao của các hộ dân nhưng trong quá trình cải tạo, mở rộng lòng đường, dẫn đến tình trạng cột điện nằm ở giữa đường giao thông. Thời gian trước, trên địa bàn phường tồn tại 68 cột điện nằm giữa ngõ đi của nhiều khu dân cư, gây rất nhiều vụ va chạm và TNGT. Khi triển khai Dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố, mới có 7 tổ dân phố di chuyển được 22 cột điện vào sát mép đường. Bức xúc trước nguy cơ tiềm ẩn TNGT do hệ thống cột điện nằm giữa lòng đường, các hộ dân tổ 35 đã tự đóng góp kinh phí tổ chức di dời được 1 cột điện nằm giữa đường vào sát mép vỉa hè. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn phường vẫn còn 46 cột điện nằm giữa đường ở 14 tổ dân phố.

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định, trên địa bàn thành phố hiện nay còn khoảng 80 cột điện nằm dưới lòng đường thuộc địa bàn 12 phường, xã chưa được di dời. Những tuyến đường đang tồn tại nhiều cột điện giữa lòng đường là: Đông An, Trần Quang Khải… từ hàng chục năm. Hệ thống cột điện nằm giữa lòng đường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là nguyên nhân gây ra các vụ va chạm và TNGT; thậm chí còn xảy ra không ít vụ TNGT nghiêm trọng vào ban đêm.

Nguyên nhân của sự tồn tại cột điện dưới lòng đường là do trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng giao thông ở thành phố một số dự án đầu tư, nâng cấp đường giao thông giai đoạn trước chưa tính toán đến hạng mục di chuyển cột điện trong khi kinh phí cho công việc này rất lớn. Mặt khác, sự phối hợp giữa các ngành liên quan, trong đó có ngành Điện lực còn hạn chế. Để từng bước giải quyết vấn đề này những năm gần đây, ngành GTVT đã huy động nhiều nguồn kinh phí, kết hợp giải toả hệ thống cột điện dưới lòng đường khi triển khai đầu tư các dự án giao thông tại địa phương. Trong quá trình thực hiện các dự án làm đường, mở rộng hay nâng cấp, Sở GTVT đều thông báo cho các đơn vị có liên quan như: Điện lực, Viễn thông cùng phối hợp thực hiện di dời cột điện, trụ điện hay hạ ngầm đường dây trước khi bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường. Nếu dự án thuộc phân cấp quản lý của địa phương thì chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm đôn đốc ngành Điện di chuyển các cột điện vào vị trí an toàn. Trên thực tế, việc di dời cột điện phải kèm theo việc di chuyển đường dây, mắc nối lại lưới điện mặt bằng để đặt cột điện, thay đổi phạm vi hành lang an toàn lưới điện… nên việc tìm địa điểm chuyển cột và kinh phí thực hiện cũng là vấn đề đặt ra. Chính vì vậy, trong điều kiện khó khăn hiện nay, tiến độ di chuyển hệ thống cột điện dưới lòng đường vẫn phải chờ để kết hợp triển khai cùng các dự án mở rộng, nâng cấp đường giao thông.

Để khắc phục tình trạng mất ATGT do cột điện nằm dưới lòng đường, trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm ATGT và chấp hành quy định pháp luật giao thông khi lưu thông trên các tuyến đường có chướng ngại vật, vận động người dân nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng đất đai, không lấn chiếm lòng, lề đường, giảm tối đa sự phát sinh các điểm gấp khúc, nút thắt "cổ chai" trên các đoạn đường có cột điện giữa lòng đường. Tăng cường lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo chướng ngại vật ở những tuyến đường này giúp người dân nắm rõ nguy cơ mất ATGT khi tham gia giao thông. Trong điều kiện khó khăn chung, bên cạnh sự tích cực tháo gỡ khó khăn của các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương, người dân cần chủ động thực hiện tốt quy định pháp luật về ATGT và nâng cao ý thức bảo đảm ATGT cho bản thân.

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)