Quảng Nam: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông - Phải xây dựng từ gốc

Thứ tư, 12/06/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một trong những giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) một cách hữu hiệu là phải triển khai từ gốc, xây dựng ý thức tham gia giao thông đến từng người dân và cấp cơ sở...
Một trong những giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) một cách hữu hiệu là phải triển khai từ gốc, xây dựng ý thức tham gia giao thông đến từng người dân và cấp cơ sở...

Năm tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 105 vụ TNGT đường bộ, làm chết 85 người và bị thương 83 người. So với cùng kỳ năm 2012, TNGT giảm 9 vụ (giảm 7,9%), giảm 16 người chết (giảm 15,8%) và giảm 1 người bị thương (giảm 1,2%). TNGT đường sắt, đường thủy nội địa không xảy ra. Thống kê từ phía cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm họa thương tâm là do người điều khiển phương tiện đã vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) như: chạy không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ cho phép... Trong đó, phải kể đến 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra trong tháng 3 vừa qua trên tuyến ĐT616 tại khu vực suối Đá Trãi, tổ dân phố Mậu Cà, thị trấn Trà My (Bắc Trà My) và tại Km3+600, tuyến ĐT609B thuộc địa phận huyện Đại Lộc làm 4 người chết tại chỗ. Bên cạnh các tuyến tỉnh lộ, đường huyện và đường giao thông nông thôn, quốc lộ 1 tiếp tục là “điểm đen” vấn nạn TNGT khi xảy ra 37 vụ (chiếm 35,23%).

Đánh giá về tình hình TTATGT 5 tháng đầu năm nay, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê nhận định, so với cùng kỳ năm 2012 TNGT tuy giảm cả 3 tiêu chí, nhưng có thể thấy kết quả trên vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra tối thiểu là 10% ở số vụ và số người bị thương. Đặc biệt, người điểu khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH kém chất lượng, uống rượu, bia quá nồng độ cho phép vẫn lái xe, xe khách chở quá số người quy định hay chạy quá tốc độ tái diễn ở mức cao. Phương tiện vận tải công cộng hoạt động ngày càng đông, song chất lượng phục vụ còn nhiều vấn đề chưa được cải thiện, nhất là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa từng tuyến, từng chủ phương tiện. TTATGT diễn biến thất thường, riêng tháng 4 đã xảy ra 30 vụ TNGT đường bộ, làm chết 27 người và bị thương 18 người; tăng 17 vụ, tăng 15 người chết, tăng 5 người bị thương so với tháng 3.

Trước thực trạng TNGT diễn biến phức tạp, Ban ATGT tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT một cách bền vững. Trong đó, Ban ATGT các địa phương đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập trung tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Thế nhưng, làm sao để các giải pháp trên được các bên liên quan triển khai thực hiện một cách hệ thống, đồng bộ và hiệu quả vẫn là bài toán khó.

Ông Trương Khuê thẳng thắn thừa nhận, hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy có chuyển biến nhưng thực tế vẫn chưa đến được mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh niên và vùng sâu, vùng xa. Việc tuyên truyền, vận động ký cam kết giữa gia đình với tổ dân phố, khu dân cư tuân thủ pháp luật về TTATGT tuy có triển khai nhưng theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Người dân vẫn “quay lưng” với MBH đạt chuẩn; thờ ơ với quy định không chở ba, chở bốn (mô tô, xe gắn máy), không được uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đối với thế hệ trẻ, giáo dục văn hóa giao thông trong trường học chủ yếu “cô đọng” ở phần lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn nên hiệu quả còn thấp. Mặc dù các trường có đôn đốc, nhắc nhở học sinh phải đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe song ý thức của các em còn kém. Hiệu trưởng một trường THPT than thở, học sinh cấp 3 sử dụng xe máy đi học, tấp vào nhà người quen hoặc dịch vụ giữ xe gần trường đã nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo nhà trường. Nếu gia đình và các lực lượng chức năng không quan tâm trợ lực cùng cơ sở giáo dục, tình trạng trên sẽ còn tiếp diễn.

Cạnh đó, các hoạt động tham gia giải tỏa các khu vực có dựng lều quán, họp chợ gây mất trật tự, lấn chiếm hành lang ATGT vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Việc chưa có chế tài áp dụng đối với người đi đò không mặc áo phao; các bến đò ngang, dọc trái phép vẫn tái diễn khiến cho cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trở nên khó thực hiện. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp ATGT đến từng người dân và cấp cơ sở. Đây chính là nền tảng nhằm hạn chế, giảm thiểu TNGT một cách bền vững và hiệu quả; phấn đấu giảm số vụ TNGT, số người chết và bị thương ít nhất là 10%. Ngoài ra, chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông; tiếp tục đổi MBH đảm bảo chất lượng cho người đi mô tô, xe gắn máy (từ ngày 20/4 đến nay đã đổi được khoảng 15 nghìn MBH). Nghiêm túc thực hiện theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến mới đây”, ông Trương Văn Cận - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)